Đó là điều mà ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, đã đề cập khi phát biểu tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào hôm qua 20.5.
Tương lai châu Á là diễn đàn đối thoại chính sách do Hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức thường niên với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế.
Theo tờ Asia Nikkei, khi phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng bảo vệ mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Thời gian qua, bằng việc đầu tư hàng tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, Trung Quốc là đối tác bảo trợ chính trị quan trọng và là nguồn hỗ trợ phát triển lớn nhất của Campuchia. Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích rằng Phnom Penh đã trở nên quá phụ thuộc và là một đại diện cho Bắc Kinh. Trong bài phát biểu, ông Hun Sen gọi các chỉ trích đó là “không công bằng”.
“Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?”, Hun Sen phát biểu. Thực tế, từ đầu năm nay, Campuchia đã được Trung Quốc tặng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, liên quan tình hình bệnh dịch thì quan hệ 2 nước từng có lúc bị ảnh hưởng, khi dư luận Campuchia phẫn nộ về việc 4 người Trung Quốc trốn cách ly ở Phnom Penh đã dẫn đến sự kiện cộng đồng ngày 20.2 làm bùng nổ dịch bệnh tại Campuchia.
Bên cạnh đó, ông Hun Sen cũng tái phủ nhận về việc Phnom Penh cho phép Bắc Kinh xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia. Theo ông, hiến pháp của Campuchia cấm tồn tại các căn cứ quân sự của nước ngoài ở Campuchia. Đồng thời, ông khẳng định rằng bất kỳ quốc gia nào cũng được hoan nghênh gửi tàu đến Campuchia.
Liên quan vấn đề này, đầu tháng 10.2020, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình chụp vệ tinh ở căn cứ hải quân Ream (tỉnh Sihanoukville) cho thấy chính phủ sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream.
Trước đó, năm 2019, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Phnom Penh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Cụ thể hơn, theo thông tin của một số quan chức Mỹ giấu tên và đã nhận thông tin về thỏa thuận vừa nêu, Campuchia cho phép tàu chiến và quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ trên trong 30 năm.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Hun Sen đã thách thức các lệnh trừng phạt thương mại của Liên minh châu Âu áp đặt lên nước này vào tháng 8 năm ngoái. Châu Âu đã đình chỉ một phần quyền tiếp cận ưu đãi đối với khối EU đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia, vì cái mà nước này gọi là vi phạm nhân quyền có hệ thống. Động thái này là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trị giá 10 tỉ USD của Campuchia, vốn phụ thuộc vào thị trường châu Âu.
Về vấn đề này, phát biểu vào ngày 20.5, Thủ tướng Campuchia cho biết: “Chúng tôi tiếp tục xuất khẩu 20% hàng hóa của mình sang châu Âu bằng cách trả thuế cho họ. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng đất nước của chúng tôi không thể thực hiện luật pháp của riêng mình. Một quốc gia độc lập có chủ quyền phải thực hiện luật pháp của mình”.
(Theo Asia Nikkei)
Theo: Cánh cò