Một số địa phương chưa từng xảy ra dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng ứng phó khi dịch bùng phát.
Đây là một trong 7 nguyên nhân làm bùng phát đợt Covid-19 thứ tư tại Việt Nam, theo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, ngày 19/5.
Đợt dịch lần này do nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Trong khi đó công tác quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn sơ hở. Việc quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ.
Một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chủ quan, mất cảnh giác. Một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa đầy đủ yêu cầu 4 tại chỗ. Quy định về phòng chống dịch bệnh có bất cập, chưa sát thực tế.
Thủ tướng khẳng định đến giờ này, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước và từng bước kiểm soát tại các tỉnh đang có dịch; chưa phát hiện ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Các ca mắc mới trong cộng đồng ghi nhận những ngày gần đây đều từ các ổ dịch cũ, trong khu vực phong tỏa hoặc được cách ly, kiểm soát.
“Đây là đợt dịch có diễn biến khó lường, do chủng mới của virus nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị. Đặc biệt, dịch bệnh đã lây lan tại một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân, trong khi ta chưa có kinh nghiệm đối phó với dịch tại nơi này”, Thủ tướng nêu.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục hiện tượng chủ quan, thiếu trách nhiệm. Quan điểm chống dịch tránh cả hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi không có dịch và hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch. “Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính, phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định”, Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Chính phủ phân tích, tấn công là “5K + vaccine”; xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Các đơn vị tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm nhanh, chính xác, hiệu quả; tiếp cận đa dạng nguồn vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất trong nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương rà soát các biện pháp chống dịch tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương chuẩn bị phương án, kể cả cho tình huống xấu nhất, về cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt tại vùng có dịch bệnh.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.648 ca Covid-19, tại 28 tỉnh, thành. Bắc Giang có số người nhiễm bệnh cao nhất cả nước với 605 ca; Bắc Ninh 353, địa bàn Hà Nội 257 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, Bệnh viện K 29), Đà Nẵng 146, Vĩnh Phúc 88, Điện Biên 38, Hà Nam 34, Hưng Yên 30, Lạng Sơn 21, và các tỉnh khác.
Viết Tuân
Theo: Cánh cò