Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và truyền thông cần phân cấp mạnh hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông.
Thủ tướng đánh giá “Thông tin và truyền thông là một trong những ngành tiên phong, tích cực thực hiện đổi mới, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước”.
Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả tích cực mà ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục, giải quyết như: thực hiện chức năng quản lý nhà nước có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập, nhất là việc xây dựng cơ chế, thể chế; công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch cần được đầu tư thỏa đáng, đúng mức hơn; công tác tham mưu chiến lược cần phải làm tốt hơn…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ, trong đó có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước đối với các hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế với tinh thần: một việc được giao cho một cơ quan làm tốt nhất chủ trì chịu trách nhiệm.
“Hoàn thiện, ban hành các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục làm công cụ quản lý để phân cấp mạnh hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện” – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Thông tin và truyền thông phải “quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu”. Đồng thời rà soát lại chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc một cơ quan, đơn vị, một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm được và làm được tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị – xã hội, đối ngoại).
Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ cần tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đi đôi với huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn, đồng thời xây dựng và quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, Thủ tướng yêu cầu bộ phải “coi trọng và đầu tư phù hợp, thỏa đáng cho công tác truyền thông, báo chí, xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế để phát huy sức mạnh, nguồn lực quan trọng của báo chí, truyền thông, phải làm chủ được truyền thông để lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, khơi nguồn, truyền cảm hứng, sự tự tin dân tộc cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.
“Tiếp tục tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tích cực, phong phú, hiệu quả hơn nữa; dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng truyền thông” – Thủ tướng lưu ý.
T. HÀ – N.AN
Theo: Cánh cò