Đại dịch giảm tốc trên khắp thế giới tuần thứ hai liên tiếp, mặc dù tình hình vẫn nghiêm trọng ở Ấn Độ, nơi ghi nhận khoảng 4.000 người chết mỗi ngày.
Thế giới đã ghi nhận 162.409.435 ca nhiễm nCoV và 3.365.719 ca tử vong, tăng lần lượt 670.019 và 12.096, trong khi 141.352.985 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Trung bình số ca mới trong một ngày toàn thế giới đã giảm 6% so với tuần trước, xuống còn 743.900. Đại dịch đã chậm lại rõ rệt ở Mỹ và Canada, nơi số ca mới giảm 21%, ở châu Âu (20%) và Trung Đông (16%). Ca nhiễm ở châu Á và châu Phi giảm nhẹ, với tỷ lệ lần lượt 2% và 1%.
Tuy nhiên, số ca mới đã tăng 5% ở Mỹ Latinh và Caribe. Ở châu Đại Dương, con số này tăng 124%, tức 247 ca một ngày, chủ yếu ở Papua New Guinea, nơi chiếm hơn 9/10 số ca nhiễm trong khu vực.
Trong số các quốc gia ghi nhận ít nhất 1.000 ca nhiễm một ngày, dịch bệnh gia tăng nhanh nhất ở Maldives, khi ca nhiễm tăng 106% trong tuần qua lên mức 1.100 trường hợp mỗi ngày. Điều đáng chú ý là Maldives là một trong những quốc gia triển khai tiêm chủng nhanh nhất. Họ đã tiêm ít nhất một liều Sinopharm hoặc AstraZeneca cho 56% dân số và hơn 1/4 dân số đã tiêm hai liều.
Paraguay là quốc gia ghi nhận mức tăng cao thứ hai 53%, lên 2.600 ca mới một ngày, tiếp theo là Nam Phi (37%, 2.100 ca), Malaysia (31%, 4.300 ca) và Hy Lạp (30%, 2.300 ca).
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận mức giảm mạnh nhất 44%, xuống 15.100 ca mới mỗi ngày, tiếp theo là Mông Cổ (giảm 42%, 700 ca), Jordan (41%, 700 ca), Croatia (35%, 1.000 ca) và Áo (31%, 1.100 ca).
Ấn Độ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhất, ở mức 375.200 ca mỗi ngày, nhưng con số này đã giảm 3% so với tuần trước. Nước đứng thứ hai là Brazil với 61.500 trường hợp, tăng 4%, Mỹ (35.600 ca, giảm 22%), Argentina (20.900 ca, tăng 4%) và Colombia (16.700 ca, tăng 7%).
Xét về bình quân đầu người, quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhất trong tuần này là Seychelles với 2.858 ca trên 100.000 dân, mặc dù họ đã tiêm chủng đầy đủ cho 61% dân số.
Ấn Độ cũng là nước ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất trong tuần này với trung bình 4.001 ca một ngày, theo sau là Brazil (1.948), Mỹ (628), Colombia (464) và Argentina (420). Ở cấp độ toàn cầu, số ca tử vong giảm 1% so với tuần trước, xuống còn 12.721 người một ngày.
Dù là nước sản xuất vaccin lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã cạn kiệt nguồn dự trữ do nhu cầu quá lớn. Họ đã tiêm 180 triệu mũi nhưng chỉ 40 triệu dân đã tiêm phòng đầy đủ, tức khoảng 3% dân số.
Bộ Y tế đã chấp thuận khuyến nghị của một hội đồng chính phủ để kéo dài khoảng cách giữa liều đầu tiên và liều thứ hai vaccine AstraZeneca từ 6-8 tuần lên 12-16 tuần.
Ngày 14/5, Ấn Độ bắt đầu triển khai vaccine Sputnik V của Nga, khiến nó trở thành loại vaccine do nước ngoài sản xuất đầu tiên được sử dụng tại nước này.
New Delhi đã cấp phép cho Sputnik V hồi tháng 4, sau khi phê duyệt hai loại khác là AstraZeneca, được sản xuất tại Ấn Độ, và vaccine Covaxin nội địa của Bharat Biotech. 150.000 liều vaccine đầu tiên đã đến vào ngày 1/5 và đợt giao hàng thứ hai dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.
WHO ngày 14/5 kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và thay vào đó tặng vaccine cho chương trình Covax để chia sẻ cho các quốc gia nghèo hơn.
“Tôi hiểu lý do tại sao một số quốc gia muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng ngay bây giờ tôi kêu gọi họ xem xét lại và thay vào đó tài trợ vaccine cho Covax”, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva.
Covax đã cung cấp khoảng 60 triệu liều cho các nước nhưng đang chật vật đáp ứng đáp ứng mục tiêu cung ứng, một phần do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đối với vaccine AstraZeneca, khi nước này đang tập trung đối phó với tình hình dịch bệnh trong nước.
Khoảng 1,26 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu. WHO cũng kêu gọi các nước thận trọng khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và cảnh báo rằng nhiều biến thể hơn sẽ được phát hiện.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ trước đó khuyến cáo những người đã tiêm chủng đầy đủ không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời và có thể không đeo trong nhà ở hầu hết các nơi.
“Rất ít quốc gia có thể từ bỏ các biện pháp này”, nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan nhấn mạnh.
Phương Vũ
Theo: Cánh cò