Giữa lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, hay tin một số trường hợp không tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà, sau đó mắc phải Covid-19 mà lòng hoang mang tột độ.
Đây không phải lần đầu tiên có người không tuân thủ quy định cách ly tại nhà. Vào đợt bùng phát dịch trước đây, đã có trường hợp nam tiếp viên hàng không bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, sau đó bị phạt 2 tháng tù treo. Tưởng chừng như đó sẽ là tấm gương, là bài học đắt giá cho người dân. Nhưng vì ý thức kém, tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh nên một số người vẫn bỏ mặc quy định, phớt lờ khuyến cáo của Bộ Y tế.
Gần đây nhất là trường hợp anh N.V.Đ. (bệnh nhân 2899) dù đã hoàn thành cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về nhà không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của địa phương. Cụ thể, trong thời gian tự cách ly tại nhà, anh Đ. vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống và đi giao du với nhiều người. Cũng giống như bệnh nhân 2899 thì T.H.T. (22 tuổi, quê ở An Giang, tạm trú 359/1/31A Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3) trước đó cũng nhập cảnh, cách ly điều trị tại Hà Tiên, Kiên Giang. Sau khi hết cách ly tập trung 14 ngày, anh T. về cách ly 14 ngày tại nhà ở Kiên Giang. Khi chưa hết thời gian cách ly, anh đã tự ý di chuyển lên TPHCM mang theo mầm bệnh sẵn có trong mình. Ngay sau đó, cả một khu vực xung quanh địa chỉ tạm trú 359/1/31A Lê Văn Sỹ, phường 13, Quận 3, TPHCM và khu ẩm thực Hồ Thị Kỷ do anh T chở vợ đi ăn uống tại đây đều bị phong tỏa.
Hai trường hợp vi phạm quy định cách ly tại nhà gần đây để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không đơn thuần chỉ là dựng barrie phong tỏa, cách ly, gây nên sự bất tiện cho một bộ phận người dân mà là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế cũng như các cơ quan chức năng tham gia chống dịch. Với TPHCM – một thành phố đông dân nhất nhì cả nước thì sự vô ý thức của một người đã khiến cả thành phố phải vất vả theo. Hàng loạt trường học, cơ sở giáo dục phải đóng cửa, con em bị gián đoạn học tập, thi cử. Hàng loạt nhà hàng, cơ sở dịch vụ karaoke, gym, yoga,… phải đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh doanh trên địa bàn. Chống dịch hao tổn ngân sách là điều tất yếu nhưng điều đáng lo ngại đó là kinh tế, đời sống, thu nhập của người dân một lần nữa phải đối mặt với thách thức không hề nhỏ. Cái giá mà Việt Nam phải trả cho sự thiếu ý thức của một số người còn là cơ hội phát triển và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm sau chuỗi hành vi thiếu ý thức này? Trong khi, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp khẩn thứ hai gần đây đã nhấn mạnh: “Quan điểm xuyên suốt là có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định đối với các trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định về cách ly, để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng”. Bằng mọi giá phải làm rõ trách nhiệm cá nhân. Xử lý nghiêm cá nhân vi phạm quy định cách ly thôi chưa đủ bởi điều đó chỉ mới răn đe, giáo dục được phần nào thôi. Muốn chấm dứt hẳn tình trạng “một người lơ là, cả xã hội phải vất vả” thì phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. Bởi nếu địa phương theo dõi sát sao, quản lý nghiêm nghặt thì cho dù ai đó muốn rời khỏi nơi cư trú trong thời gian cách ly là điều không thể.
Chúng ta đã và đang tích cực chống dịch, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, tình hình về cơ bản vẫn được kiểm soát. Đó là những thành quả đáng quý mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Cho dù tương lai, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có tình huống xấu đi hơn, khó dự báo, chưa lường hết được nhưng chúng ta không cho phép mình lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bi quan, hoảng hốt. Chúng ta phải bình tĩnh, tỉnh táo, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo trong việc phòng chống dịch và áp dụng chế tài nghiêm khắc. Chỉ có như thế thì Việt Nam mới sớm chiến thắng được đại dịch này.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ