Lịch sử bao đời nay luôn ca ngợi những chiến công hiển hách của triều đại Tây Sơn, gắn liền với người anh hùng dân tộc lỗi lạc Nguyễn Huệ – Quang Trung thì hôm nay, thật bất ngờ khi trang Trí thức Việt Nam bêu riếu triều đại Tây Sơn.
Trang Trí thức Việt Nam “luận tội” triều đại Tây Sơn đã “tàn phá thương cảng Hội An, trung tâm thương mại sầm uất Cù lao Phố, vùng kinh tế hưng thịnh Mỹ Tho và đã gây nên cuộc thảm sát người Hoa ở Chợ Lớn”. Nhưng hãy nhìn vào thời điểm đó xem tình hình nước ta như thế nào. Đất nước phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài. Đàng Trong thì Chúa Nguyễn cai trị, Đàng Ngoài là chính quyền vua Lê – chúa Trịnh. Nội bộ đất nước không thống nhất, lại có ông vua bất tài, bán nước như Lê Chiêu Thống nên quân Thanh mới mang quân xâm lược nước ta ở phía Bắc.
Chưa kể, phía Nam, giặc Xiêm cũng được Nguyễn Ánh tiếp tay đánh chiếm lãnh thổ nước ta. Đứng trước họa mất nước, không ai khác, chính triều đại Tây Sơn đã phất cờ khởi nghĩa. Cuộc chiến giữa vương triều Nguyễn với nhà Tây Sơn tiếp diễn triền miên. Bên cạnh đó, cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Trịnh ở Đàng Ngoài diễn ra ngày càng khốc liệt, đỉnh điểm là vào năm 1775, quân Trịnh đã tràn vào tàn phá dữ dội, làm cho thương cảng Hội An ngưng trệ mọi hoạt động, nhà cửa, phố xá đổ nát hoang tàn. Nhưng không thể quên, sau khi quân Trịnh rút về Đàng Ngoài thì không ai khác, chính nhà Tây Sơn đã dốc sức khắc phục hậu quả của chiến tranh và dần dần phục hồi nền kinh tế thương nghiệp.
Ở cái thời binh biến thù trong giặc ngoài như thế thì việc một số vùng đất, khu vực kinh tế bị tàn phá, người dân gặp phải thương vong cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận được việc Nguyễn Ánh đã để Bá Đa Lộc thay mặt mình ký kết với chính phủ Pháp Hiệp ước Versailles nhượng hẳn đảo Côn Lôn, cửa biển Hội An và cam kết để cho Pháp độc quyền buôn bán trên cả nước, thậm chí còn cắt luôn vùng Trấn Ninh (rộng khoảng 45.000 km²) cho vương quốc Vạn Tượng (Lào hiện nay).
Dù phân tranh khốc liệt là thế nhưng chúng ta nên nhớ rằng, chỉ 17 năm (1771 – 1788), phong trào Tây Sơn đã lần lượt tiêu diệt 3 thế lực chính trị Nguyễn, Trịnh, Lê, xoá bỏ sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài hơn 2 thế kỷ. Không ai khác cũng chính phong trào Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm (1784-1785) bằng trận quyết chiến Rạch Gầm – Xoài Mút và cũng chính người anh hùng mang tên Nguyễn Huệ đã hành quân ra Bắc thần tốc, tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long và đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền quốc gia.
Nhưng nhìn lại thời ấy xem Nguyễn Ánh đã làm được những gì? Hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn đánh nhau, câu chuyện phân tranh thắng thua, cao thấp trong nội bộ đất nước nhưng khi Nguyễn Ánh liên tiếp gặp những thất bại trước quân Tây Sơn, ông ấy lại đi cầu viện Xiêm La, dẫn đường cho binh lính xâu xé đất nước. Lịch sử vẫn còn ghi lại “Xiêm binh tự do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ”. Ở thời nào cũng vậy, những kẻ đã “cõng rắn cắn gà nhà” thì suốt đời họ cũng chỉ là những kẻ phản bội quốc gia, dân tộc và là những kẻ cúi đầu làm “nô lệ” cho ngoại bang mà thôi.
Gần như lịch sử giai đoạn này đã bị trang Trí thức Việt Nam tẩy trắng, thay vào đó là bức tranh triều Tây Sơn đen sì để che lấp đi tội bắt tay với giặc, “rước voi giày mả tổ”, bán lãnh thổ của Nguyễn Ánh là điều không thể chấp nhận được. Nói mục đích rửa tội cho Nguyễn Ánh còn nhẹ chán, suy cho cùng âm mưu đằng sau bài đăng của Tri thức Việt Nam đó chính là xuyên tạc lịch sử. Chiêu trò dối trá này khá quen thuộc bởi hiện nay có nhiều đối tượng và trang mạng cũng đang sử dụng nó triệt để tấn công vào tư tưởng, khiến nhân dân ta nhìn nhận sai lệch lịch sử, mất niềm tin vào đất nước. Sâu xa hơn, họ rắp tâm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” – một trong những mũi nhọn chống phá chính quyền hiện nay. Vậy nên, trước thủ đoạn thâm độc như trang Trí thức Việt Nam, chúng ta cần phải tỉnh táo, cảnh giác kẻo rơi thế trận do họ đã bày ra.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ