Ba tháng sau khi nhậm chức, ông Biden đã quyết định chấm dứt cuộc chiến gần 20 năm của Mỹ tại Afghanistan, bất chấp sự phản đối từ giới quân sự.
“Chiến tranh ở Afghanistan chưa bao giờ được định sẵn là một cuộc chiến trường kỳ. Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến này mãi mãi”, ông Biden nói hôm 14/4, tuyên bố việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan.
Bài phát biểu của ông Biden chỉ kéo dài gần 16 phút, tuy nhiên, ông và các quan chức cấp cao của mình đã phải dành rất nhiều thời gian, bất chấp nhiều chỉ trích để có thể đi đến quyết định này.
Vấp phải nhiều phản đối
Quyết định đi ngược lại lời khuyên của nhiều quan chức quân sự cấp cao, làm dấy lên quan ngại về an ninh quốc gia của Mỹ.
Các lãnh đạo quân đội Mỹ nghiêng về việc có thêm thời gian cho đàm phán, rút lui có điều kiện, hoặc ít nhất là giữ một lực lượng nhỏ để chống khủng bố. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, Tư lệnh đặc trách Trung Đông Frank McKenzie, và tướng Austin Miller – chỉ huy lực lượng NATO và Mỹ tại Afghanistan, là ba tướng lĩnh hàng đầu đã lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận này.
Các tướng quân trên đều cho rằng với việc Mỹ rút quân, chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ dưới áp lực của Taliban, và người dân Afghanistan sẽ tràn vào các nước láng giềng cũng như châu Âu. Việc nhóm khủng bố al-Qaeda trỗi dậy và đe dọa đến an ninh nước Mỹ cũng là một điều được phía quân sự Mỹ cảnh báo.
Washington Post dẫn lời một số quan chức quân sự cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng ủng hộ việc tiếp tục hiện diện quân sự. Góc nhìn của ông Austin xuất phát từ kinh nghiệm của ông khi chứng kiến quá trình rút quân của Mỹ năm 2011. Chỉ ít hơn 3 năm sau, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL – sau đó đổi thành IS) đã xâm chiếm gần một nửa Iraq.
Giới tình báo Mỹ cũng không đồng tình với quyết định của ông Biden. Trong một phiên điều trần ngày 13/4, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ William Burns cho rằng “khả năng thu thập và đối phó với các mối đe dọa của Mỹ sẽ bị suy giảm” nếu nước này rút quân khỏi Afghanistan.
Hàng loạt cuộc gặp mặt
Trước hàng loạt thông tin về sự bất đồng trong chính quyền, các quan chức Nhà Trắng cho rằng vấn đề này đã bị truyền thông thổi phồng quá mức.
Theo Washington Post, hàng chục cuộc họp đã diễn ra trước khi có quyết định rút quân. Trong đó, 4 phiên họp được ông Biden chủ trì tại Phòng Tình huống, và 3 phiên họp khác, không có ông Biden, được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chủ trì.
“Tôi nghĩ, điều đáng chú ý nhất là việc rất ít thông tin bị rò rỉ trong quá trình đưa ra quyết định rút quân. Vì thế, người ta cho rằng tiếng nói của họ đã không được lắng nghe hoặc quy trình ra quyết định của nước Mỹ đã bị phá vỡ”, Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao.
“Có sự chia rẽ giữa những quan chức thân cận của ông Biden trong vấn đề này. Chắc chắn rằng khó có ai đồng ý với quan điểm của người khác. Tuy nhiên, đó là cách mà hệ thống được thiết kế”, người này nói thêm.
Liệu nước Mỹ sẽ trở lại?
Trong một cuộc họp vào tháng 3, ông Biden cho biết việc rút quân khó có thể hoàn thành vào ngày 1/5 theo tuyên bố của người tiền nhiệm Donald Trump, song ông cũng nói rằng “tôi không thể tưởng tượng” nếu lính Mỹ vẫn còn ở Afghanistan vào năm 2022.
Một số chuyên gia hoài nghi việc rút quân, cho rằng nước Mỹ đưa quân trở lại Afghanistan là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một số quan chức đã khẳng định Afghanistan không còn là một ưu tiên của nước Mỹ, khi giờ Mỹ phải đối mặt với các thách thức mới như Trung Quốc, Nga, biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.
Chính quyền Biden cam kết vẫn sẽ tài trợ cho lực lượng an ninh Afghanistan, sử dụng nhiều công cụ khác để mang lại hòa bình và ngăn chặn sự trỗi dậy của một chính quyền Taliban hà khắc. Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn với ABC, Ngoại trưởng Antony Blinken dường như đã chấp nhận việc Taliban sẽ chiếm lấy chính quyền.
Nếu lực lượng Taliban muốn “có được sự công nhận của quốc tế”, họ phải “tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái”, ông Blinken nói.
(Theo Washington Post)
Theo: Cánh cò