Ủy viên Bộ Chính trị Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt vấn đề: Đối với người ứng cử ĐBQH khi đi vận động bầu cử thường hứa nếu trúng cử sẽ làm việc này, việc kia, nhưng khi dân hỏi lại không trúng cử thì làm gì.
Khá ấn tượng với phát biểu của nhiều ĐBQH nữ
Ngày 19/4, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) và việc thúc đẩy bình đẳng giới”.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết: Qua các nhiệm kỳ Quốc hội, nữ ĐBQH đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động Quốc hội, để lại nhiều dấu ấn hết sức tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước; góp phần tích cực nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, nữ ĐBQH giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại giao, nghị viện.
“Tôi khá ấn tượng với phát biểu của nhiều nữ ĐBQH tại nghị trường của Quốc hội cũng như chứng kiến bản lĩnh, năng lực trình độ của nhiều nữ đại biểu HĐND các cấp”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói và cho biết ông hy vọng, tỷ lệ nữ trúng cử sẽ đạt yêu cầu Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Chương trình hành động của ĐBQH phải ngắn gọn, phù hợp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, kế hoạch tổ chức hội thảo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội được xây dựng rất bài bản, khoa học, thiết thực, chi tiết, nội dung phong phú, cởi mở… đi vào thảo luận những vấn đề cụ thể, không chỉ lý thuyết mà tăng thực hành, thảo luận, hội thảo, trả lời.
“Trao đổi kiến thức với người khác là cơ hội giúp các đồng chí học hỏi, mang lại kiến thức nhiều hơn. Hội thảo hôm nay là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, biết mình còn thiếu gì, cần bổ sung, nắm chắc thông tin, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Không khí dân chủ, dân trí của cử tri ngày càng mở rộng, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương, cử tri ngày càng cụ thể hơn, kỳ vọng cao hơn. Tôi mong các đồng chí không quá bị áp lực, phải biết thế mạnh của mình để phát huy. Trình bày chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục, trình bày tự tin, chân thành, hấp dẫn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân, để cử tri có nhiều thiện cảm, ấn tượng, tin tưởng bỏ phiếu”, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ thêm, ông cũng từng ứng cử ĐB HĐND ở cấp huyện, cấp tỉnh, tham gia Quốc hội 2 khóa, thấy tiếp xúc cử tri là việc hết sức quan trọng, và cũng đầy áp lực.
“Làm thế nào giải tỏa áp lực thì phải có tự tin, thuyết phục để cử tri thấy người ứng cử dung dị, bình dị, hòa hợp, gần gũi, làm sao thu phục được mọi người. Sự hiền hòa, bình dị trong mỗi đại biểu để làm sao gần gũi dân, ví dụ, ngày thường đi lễ, đi hội, đi đô thị, siêu thị mình mặc đồ thế này nhưng đi xuống dân thì mặc đồ như thế nào cho phù hợp. Có đại biểu từng bị phản ánh là che dù, che lọng. Tôi nói việc này giờ khắc phục được nhưng mình cũng phải hết sức chú ý”, ông nói.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thậm chí chương trình hành động của người ứng cử phải ngắn gọn, phù hợp.
“Có thể nói, chương trình hành động chỉ tối đa 5-7 phút. Thời tiết nắng nóng mà ứng viên trình bày chương trình 15 – 20 phút là rất dài. Người ứng cử nói nếu trúng cử ĐBQH thì sẽ làm này, làm kia nhưng người dân hỏi nếu không trúng cử thì làm gì?
Người ứng cử có thể nói là nếu trúng cử hoặc không trúng cử tôi sẽ làm những việc: Nếu là doanh nghiệp thì sản xuất kinh doanh tốt ở địa phương, nếu là công chức, viên chức hứa hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Nhiều đồng chí hứa nếu trúng cử sẽ làm một loạt vấn đề, như xây trường học… kiểu hứa đó ngoài tầm của mình, điều gì thực tế, nếu hứa làm những điều thực tế, thiết thực”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ.
Ông cho biết thêm, khi xuống địa phương tiếp xúc cử tri nhiều khi cũng phải ăn cơm dưới địa phương, có cái gì ăn cái nấy. Ông kể, mới cách đây mấy ngày ông đi tiếp xúc cử tri, phục vụ để ly nước nhưng không dám uống. Vì ngồi bên dưới là người dân, giữa thời tiết nắng nóng dân không có nước, trong khi ngồi phía trên ĐBQH lại rót nước trà, nước suối từ chai thấy không ổn.
“Nhiều việc tế nhị phải rút kinh nghiệm để làm sao trong quá trình tiếp xúc cử tri khi ra ứng cử, dù trúng cử hay không thì mình cũng làm tốt nhiệm vụ, chức trách với Đảng, nhân dân”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
PV
Theo: Cánh cò