Saturday, November 23, 2024

Cảnh sát cơ động – Những chặng đường xây dựng và phát triển

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, Cảnh sát cơ động công an các địa phương đã bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn một cách khoa học, tạo nên thế trận an ninh vững chắc, đảm bảo tính cơ động…

Cảnh sát cơ động – Những chặng đường xây dựng và phát triển
Các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đang tập luyện

Lực lượng Cảnh sát cơ động ra đời trong bối cảnh đất nước đang bộn bề với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn quyết liệt. Lực lượng còn mỏng, song thế hệ đầu tiên của lực lượng Cảnh sát cơ động đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua hoàn cảnh, một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, chiến đấu với ý chí quyết thắng, bảo vệ nền độc lập, tự do mà dân tộc ta giành được.

Vẻ vang 47 năm hình thành và phát triển

Tiền thân là lực lượng Công an nhân dân vũ trang bảo vệ mục tiêu nội địa, ngày 15.4.1974, lực lượng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động được ra đời. Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 11.12.2009, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia (ANQG) và giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH), Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh CSCĐ, sáp nhập Cục Cảnh sát bảo vệ, Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH sang Bộ Tư lệnh CSCĐ. Về tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh CSCĐ được nâng thành cấp tổng cục và kiện toàn theo hướng chuyên sâu, tập trung thống nhất, đảm bảo đầy đủ và phân định rõ ràng, rành mạch. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, CSCĐ công an các địa phương đã bố trí theo các vùng chiến lược, các địa bàn một cách khoa học, tạo nên thế trận an ninh vững chắc, đảm bảo tính cơ động, tiếp ứng nhanh chóng khi có tình huống xảy ra, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt năm 2013, Pháp lệnh CSCĐ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 4.2014. Sau 7 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh, lực lượng CSCĐ phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, nhất là triển khai các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức… được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao. Đây là những mốc son trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, và cũng là chứng minh sự chuyển mình ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH của lực lượng CSCĐ.

Cảnh sát cơ động – Những chặng đường xây dựng và phát triển
Tư lệnh thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang tập luyện

Những chiến công

Trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSCĐ luôn “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, thắng không kiêu, bại không nản, vượt qua khó khăn gian khổ, luôn mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, nhạy bén, sáng tạo trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Từ khi đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới; nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đặt ra những yêu cầu hết sức nặng nề và phức tạp. Một số phần tử phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa câu kết với số tàn quân chế độ cũ trốn trình diện, cải tạo, bọn tư sản phản động… tập hợp lực lượng gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền. Năm 1976 chúng thành lập tổ chức phản động “Lực lượng dân quân phục quốc”, năm 1977 lập “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” rồi năm 1979 lập ra “lực lượng vũ trang kháng chiến chống cộng”… và các toán phản động Fulrô trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên. Nắm rõ tình hình, âm mưu hoạt động chống phá của bọn phản động, lực lượng công an đã mở đợt trấn áp, huy động CSCĐ trấn áp, bao vây bắt hàng nghìn tên phản động nguy hiểm tại 19 tỉnh Nam bộ và các tỉnh Tây nguyên.

Cảnh sát cơ động – Những chặng đường xây dựng và phát triển
Tập luyện kỹ, chiến thuật trên sông nước

Trong lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm khác, lực lượng CSCĐ đã tích cực phối hợp có hiệu quả với các đơn vị địa phương trong nhiều vụ việc như: vụ giải thoát con tin ở Mê Linh – Vĩnh Phúc, triệt phá băng cướp ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, vụ “Khánh trắng” ở Hà Nội, vụ Trương Văn Cam ở TP.HCM…

Đặc biệt, tháng 5.2014, lợi dụng công nhân ở các khu công nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và quận Thủ Đức (TP.HCM) xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 tại vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, những đối tượng xấu đã kích động công nhân đập phá hàng rào, bảng hiệu, đốt phá tài sản hàng hóa, nhà xưởng; tràn vào lấy nhiều tài sản của các công ty. Bộ Tư lệnh CSCĐ đã điều động hàng nghìn CBCS và gần 200 xe các loại ở các đơn vị ứng trực, ra quân làm nhiệm vụ trấn áp các đối tượng quá khích, giải tán các cuộc biểu tình gây rối ANTT. Trong 9 ngày tham gia, lực lượng đã tiến hành bắt giữ, bàn giao cho công an địa phương 632 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật tài sản khác và bảo vệ an toàn cho 54 công ty trong nước và nước ngoài, giải cứu an toàn cho 41 chuyên gia và nhân viên nước ngoài, dập tắt các đám cháy, cứu khối lượng tài sản lớn ước tính hơn 3.000 tỉ đồng…

Vụ việc gần đây nhất vào tháng 9.2019 xảy ra ở Đồng Tâm, H.Mỹ Đức (Hà Nội) do một số phần tử xấu lôi kéo người dân sử dụng, chiếm đất gây bạo loạn, trong quá trình làm nhiệm vụ, 3 chiến sĩ đã hy sinh (trong đó có 2 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ).

Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ ANTT đặt ra hết sức nặng nề. Kế thừa và phát huy truyền thống của lực lượng, cán bộ chiến sĩ CSCĐ, CSĐN tiếp tục lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác.

Với những thành tích đã đạt được, lực lượng CSCĐ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý: 11 đơn vị, 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 3 Huân chương Quân công hạng nhất; 1 Huân chương Lao động hạng nhì; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; 5 Huân chương Chiến công hạng nhất cùng nhiều Huân chương Quân công, Chiến công hạng nhì, ba; 13 lần được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, 15 lần được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc; hàng ngàn tập thể, hàng vạn cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành, UBND các địa phương tặng huy chương, bằng khen các loại.

Gần đây nhất, Bộ Tư lệnh CSCĐ vinh dự 3 năm liền (2018, 2019, 2020) được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Đó là sự ghi nhận những chiến công, thành tích xuất sắc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo các cấp giành cho lực lượng CSCĐ, đồng thời là bức tranh chân thực nhất phản ánh sự phấn đấu thường xuyên, liên tục cũng như công sức trí tuệ và kết tinh của sự đoàn kết, thống nhất về ý chí chiến đấu, tinh thần trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Trung tướng -Tiến sĩ Phạm Quốc Cương

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG