Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sắp diễn ra vào 23/5 tới là dịp để mỗi công dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia lựa chọn những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Nhưng bên cạnh việc nghiên cứu kỹ các quy định về bầu cử, tìm hiểu về các ứng cử viên để sáng suốt lựa chọn người đủ đức đủ tài gánh vác trọng trách, thì chúng ta vẫn phải luôn tỉnh táo trước những luận điệu phản dân chủ của các đối tượng thù địch đang rêu rao nhằm phá hoại cuộc bầu cử. Luận điệu “quen thuộc” của chúng vẫn là xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; dựng chuyện phe nọ cánh kia, quân xanh quân đỏ để gây chia rẽ trong nhân dân; bôi nhọ, vu khống các ứng cử viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo; tuyên truyền lôi kéo người dân tẩy chay cuộc bầu cử…
Cử tri khu phố Chí Thạnh, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên biểu quyết tại Hội nghị lấy ý kiến và nhận xét của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Dân chủ là bản chất của Nhà nước ta ngay từ khi mới ra đời. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên làm một cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài khi mới thành lập nước, nhưng Đảng và Bác Hồ vẫn chú trọng tiến hành cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử nước nhà với sự bình đẳng cho mọi công dân, để nhân dân thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh đất nước. Cũng phải nói thêm rằng, những tư tưởng tiến bộ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Nhưng ngay tại nước Mỹ, phải đến năm 1920 phụ nữ mới được đi bầu cử và mãi đến năm 1966 người Mỹ gốc Phi trên toàn quốc cũng mới có được quyền bầu cử.
Hiệp định Geneva năm 1954 tạm thời chia cắt hai miền đã ấn định cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước trong vòng 2 năm. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã rắp tâm phá hoại hiệp định để nhân dân ta lại phải trải qua một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhiều mất mát đau thương mới thống nhất được đất nước và tổ chức Tổng tuyển cử lần thứ hai vào năm 1976. Nhìn lại lịch sử để thấy, mỗi một cuộc bầu cử còn là biểu tượng cho một thành tựu cách mạng của nhân dân ta, khẳng định một mục tiêu xuyên suốt là xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hiến pháp năm 2013 – văn bản pháp lý cao nhất quy định những vấn đề cơ bản của tổ chức Nhà nước đã ghi: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Hiến pháp cũng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
Những căn cứ lịch sử và pháp lý trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, mà trong đó có cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, là không thể phủ nhận. Thực hiện vai trò “ý Đảng, lòng dân”, Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ thị kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước; lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Với sự chuẩn bị chu đáo, bảo đảm dân chủ, minh bạch, tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở các cấp. Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
“Trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội”, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã nhấn mạnh như vậy. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng nhất đập tan những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống phá.
Dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát huy sức mạnh đoàn kết đưa đất nước ta đạt được nhiều thành tựu phát triển. Sự ủng hộ của nhân dân cùng với những chỉ đạo, điều hành sáng suốt, linh hoạt của Đảng, Nhà nước đã giúp chúng ta chiến thắng 3 đợt dịch COVID-19 bùng phát ở trong nước. Cũng như vậy, mỗi một hành động đi bỏ phiếu sáng suốt lựa chọn đúng người đại biểu của nhân dân sẽ góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Trần Ngọc Tú (báo Tin tức)
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ