Sau khi kết quả kiểm phiếu được thông qua, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bước lên bục thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Sáng nay, 5/4, với 468 phiếu thuận (chiếm tỉ lệ 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội, 100% số đại biểu tham gia bỏ phiếu), Quốc hội đã nhất trí bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, tân Chủ tịch nước bước lên bục thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước; ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông Vương Đình Huệ tặng hoa, chúc mừng tân Chủ tịch nước.
Với việc được tín nhiệm bầu giữ cương vị đứng đầu Nhà nước thay ông Nguyễn Phú Trọng, đây là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm được bầu làm Chủ tịch nước.
Trước đó, ngày 2/4, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hơn 2 năm qua, trong hoàn cảnh cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Dù nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước.
Chiều ngày 5/4, quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ bắt đầu bằng việc Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước sẽ báo cáo, tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH nếu có. Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ sau khi thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch nước trình.
Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Trong thời gian làm việc còn lại (đến ngày 8/4), Quốc hội sẽ tập trung kiện toàn các chức danh của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, Quốc hội sẽ lần lượt tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; bầu nhân sự cho các chức danh Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thực hiện thủ tục phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành quy trình phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; phê chuẩn Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Theo chương trình dự kiến, chiều 8/4, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, sẽ bế mạc. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò