Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm nổi dậy ở Myanmar, ngày 3-4, cáo buộc quân đội nước này đã dùng “vũ lực quá mức” khiến hơn 12.000 thường dân, bao gồm trẻ em, phải di tản.
Cuối tháng trước, nhóm vũ trang của người thiểu số Karen KNU đã chiếm một căn cứ quân sự ở bang Kayin, miền đông nước này, và giết chết 10 sĩ quan quân đội. Chính quyền quân đội Myanmar sau đó đã mở các cuộc không kích đáp trả.
Ngày 3-4, KNU lên án quân đội Myanmar đã sử dụng “vũ lực quá mức bằng các cuộc không kích và ném bom không ngừng” từ ngày 27 đến 30-3, đã “gây ra cái chết của nhiều người, bao gồm cả trẻ em”.
“Các cuộc không kích này còn khiến cho hơn 12.000 dân thường phải bỏ làng đi, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, KNU cho biết.
Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, nói quân đội đã chỉ nhắm vào Lữ đoàn 5 của nhóm nổi dậy, tức là đơn vị đã chỉ huy trận chiếm đóng căn cứ quân sự và giết chết các sĩ quan.
“Chúng tôi chỉ tổ chức một trận không kích đúng ngày hôm đó”, ông Zaw Min Tun nói với Hãng tin AFP.
“Chúng tôi đã ký một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc… Nếu họ thực hiện theo thỏa thuận này, chẳng có lý do gì để xung đột tiếp diễn”, ông Zaw Min Tun nói thêm.
Nhiều vụ đánh bom và không kích đã được truyền thông địa phương của người dân tộc thiểu số Karen và các nhóm hoạt động đưa tin trong những ngày gần đây.
Khoảng 3.000 người Myanmar đã vượt sông Salween để chạy qua Thái Lan tá túc hôm 29-3 nhưng phần lớn trở về nước ngày 31-3, phía Thái Lan nói họ đã “tự nguyện” trở về.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền ngày 1-2.
Các khu vực biên giới của nước này phần lớn được kiểm soát bởi các nhóm vũ trang thuộc các dân tộc khác nhau. Từ lâu những nhóm này đã muốn đòi quyền tự trị lớn hơn.
Phần lãnh thổ bang Kachin ở phía bắc nước này do Quân đội độc lập Kachin (Kachin Independent Army – viết tắt là “KIA”) – một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất – quản lý, cũng đang chứng kiến sự gia tăng của hoạt động quân sự những ngày gần đây.
(Theo AFP)
Theo: Cánh cò