Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tranh luận gay gắt tại Liên Hợp Quốc về vấn đề phân biệt sắc tộc.
Tại phiên họp hôm 19/3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng chế độ nô lệ từng tồn tại ở mọi ngóc ngách trên thế giới, trong đó bà cũng có nguồn gốc là con cháu nô lệ gốc Phi, và “đáng buồn là nó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay”.
Cũng theo bà Thomas-Greenfield, vấn đề phân biệt chủng tộc hiện vẫn tồn tại và “tiếp tục là thách thức hàng ngày” ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhà ngoại giao Mỹ đề cập trực tiếp tới cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.
“Tại Trung Quốc, chính quyền ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các cộng đồng thiểu số tôn giáo và dân tộc ở Tân Cương”, bà Thomas-Greenfield nói.
Phát biểu của Đại sứ Mỹ đã vấp phải sự phản đối của phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Mặc dù không có tên trong danh sách phát biểu ban đầu, nhưng Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing vẫn lên tiếng để phản bác “cáo buộc mang động cơ chính trị” của Mỹ. Nhà ngoại giao Trung Quốc gọi phát biểu của Đại sứ Mỹ là “tin đồn” sai trái và là “lời nói dối trắng trợn”.
Ông Bing cũng cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, khẳng định “nói dối vẫn chỉ là nói dối và sự thật cuối cùng sẽ thắng thế”. Phó Đại sứ Trung Quốc cho rằng Mỹ không có quyền “dạy bảo nước khác phải làm gì”.
“Tôi đề nghị Mỹ nên thực hiện các biện pháp thiết thực để chấm dứt các vụ việc phân biệt đối xử và thù ghét, thậm chí sát hại những người gốc Phi và gốc Á, đang xảy ra tại Mỹ”, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Cuộc “khẩu chiến” của phái đoàn Mỹ – Trung tại Liên Hợp Quốc diễn ra trong bối cảnh các quan chức của 2 nước kết thúc cuộc họp “nảy lửa” tại Alaska hôm 19/3. Đây cũng là cuộc gặp mặt trực tiếp cấp cao đầu tiên của Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Thành Đạt/Reuters
Theo: Cánh cò