Cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Alaska đã phần nào phản ánh tình trạng mối quan hệ song phương khi không bên nào chịu nhường bên nào.
Nhiệt độ đóng băng ở Anchorage, Alaska, cũng không đủ sức hạ nhiệt cuộc “chạm mặt” giữa phái đoàn Mỹ – Trung vừa diễn ra tại đây. Cuộc gặp đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các nhà ngoại giao đôi bên có dịp ngồi cùng nhau bên bàn thảo luận.
Ngay cả dưới thời tổng thống Donald Trump, khi mối quan hệ hai nước bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử, thái độ thách thức, không kiêng nể cũng không được thể hiện rõ ràng như cuộc gặp vừa qua. Đôi bên đều có những nhận xét tiêu cực về phía đối phương và cáo buộc nhau vi phạm nghi thức ngoại giao.
Các đại biểu Trung Quốc đã rất phấn khởi khi bước vào cuộc họp biểu chiều ngày 18/3. Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫy tay chào phóng viên và khi được hỏi về bữa trưa, ông Dương nói mình đã dùng mỳ ăn liền.
Trước đó không lâu, cuộc gặp giữa phái đoàn Trung Quốc và phái đoàn Mỹ, do Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dẫn đầu, diễn ra lâu hơn so với kế hoạch khi ông Dương phát biểu vượt khỏi khuôn khổ bài nói đã chuẩn bị của mình để đáp trả Mỹ.
“Vì ngài Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Sullivan đã có một bài phát biểu khai mạc khá khác biệt nên tôi cũng sẽ thay đổi đôi chút”, ông Dương nói.
Cuộc gặp dự kiến bắt đầu bằng bài phát biểu khai mạc dài tối đa hai phút từ mỗi bên và cả đôi bên cũng đã đồng ý khi lên kế hoạch. Nhưng Ngoại trưởng Blinken và cố vấn Sullivan lại nói tới khoảng 10 phút.
Ông Blinken nêu các vấn đề Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng Mỹ và có hành động cưỡng ép kinh tế đối với những đồng minh của Washington.
Phái đoàn Trung Quốc không hài lòng với thông điệp mà đối phương đưa ra và đáp trả bằng bài diễn văn mở màn dài gần 20 phút.
Bài phát biểu của ông Dương dài đến nỗi tự ông cũng phải đùa rằng đây thực sự là một cuộc kiểm tra dành cho phiên dịch viên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken mỉa mai rằng phiên dịch viên cho đoàn Trung Quốc có lẽ nên được tăng lương.
“Tôi cho rằng chúng tôi đã nghĩ quá tốt đẹp về phía Mỹ. Chúng tôi nghĩ phía Mỹ sẽ tuân theo các giao thức ngoại giao cần thiết. Vì thế, về phía Trung Quốc, điều quan trọng là chúng tôi phải làm rõ quan điểm của mình”, ông Dương tuyên bố.
Một cuộc tranh cãi về sự xuất hiện của các phóng viên sau đó nổ ra, kéo dài màn phát biểu mở đầu, đáng lẽ chỉ trong vài phút, thành hơn 60 phút, theo thông tin từ nhóm báo chí đưa tin sự kiện.
Các nhân viên tổ chức sự kiện bắt đầu đưa các nhà báo ra ngoài khi ông Dương kết thúc bài nói nhưng hai quan chức Mỹ lại vẫy tay ra dấu cho họ nán lại.
Blinken nói ông hài lòng với bình luận từ phía Trung Quốc rằng Mỹ đã trở lại và đang tiếp tục tham gia vào các công việc của thế giới, song cũng quan ngại sâu sắc. Mỹ “không hoàn hảo” nhưng trong suốt quá trình lịch sử luôn đối phó với mọi thách thức một cách cởi mở, ông nhấn mạnh.
Cố vấn Sullivan thêm rằng “công thức bí mật” của Mỹ nằm ở việc họ nghiêm túc nhìn vào những thiếu sót của mình và nỗ lực cải thiện chúng.
Khi hai ông kết thúc bình luận, các nhân viên lễ tân một lần nữa dẫn phóng viên ra ngoài nhưng ông Dương lại bảo họ “chờ” và giơ ngón tay trỏ lên. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cáo buộc Mỹ nói chuyện với họ bằng giọng điệu trịch thượng. Ông cho rằng hành động đẩy phóng viên ra khỏi phòng là ví dụ cho thấy Mỹ không hoàn toàn ủng hộ dân chủ.
Ngay lập tức, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ đáp lời, cáo buộc phía Trung Quốc “cũng vi phạm các giao thức” và họ chỉ đến cuộc gặp với ý định thể hiện quyền lực và phô trương hình ảnh.
Cuộc tranh cãi công khai diễn ra sau nhiều ngày đôi bên có những động thái “thử” thái độ của đối phương. Washington tuần qua áp lệnh trừng phạt với hàng loạt quan chức Trung Quốc vì vai trò trong nỗ lực thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong.
Trong cuộc gặp cấp cao gần đây nhất giữa Trung Quốc và Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái dưới chính quyền Trump, ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ Mike Pompeo đã thảo luận kín với ông Dương ở Hawaii trong khoảng 7 tiếng. Những màn đối đáp qua lại như tại Anchorage không được nhìn thấy.
Những người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã châm biếm cuộc gặp bằng một hình ảnh hài hước, vẽ phái đoàn Trung Quốc là những con thỏ và phái đoàn Mỹ là những con đại bàng, hai bên không ngừng la hét về phía nhau.
Vũ Hoàng/VNE
Theo: Cánh cò