Từ ngày 20/2 đến nay, Campuchia ghi nhận số lượng bệnh nhân mới tăng nhanh và 3 người tử vong.
Campuchia từng được xem là mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả khi chưa ghi nhận ca tử vong. Cuộc sống của người dân ở thủ đô Phnom Penh đa phần đã dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, ngày 20/2, nước này phát hiện 32 công dân Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Sau đó, Campuchia phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tiếp theo.
Hơn 1.000 ca mắc mới chỉ trong vòng một tháng
Đến 21h ngày 19/3, Campuchia có thêm 37 ca mắc Covid-19 trong ngày, tất cả đều liên quan sự kiện ngày 20/2. Hiện tại, tổng cộng bệnh nhân Covid-19 tại đây là 1.578, tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước đó.
Theo Phnompenh Post, Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu toàn bộ người dân cảnh giác. Đại diện WHO tại Campuchia, bà Li Ailan, nhận định: “Campuchia đang ở giai đoạn quan trọng của cuộc chiến chống lại Covid-19. Chúng ta có cơ hội ngăn chặn sự lây lan của virus nếu tất cả đoàn kết”.
Bộ trưởng Y tế Mam Bun Heng cũng nhấn mạnh: “Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Campuchia vẫn còn nghiêm trọng. Những gì chúng ta làm lúc này sẽ quyết định diễn biến của đợt bùng phát. Tất cả chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ ngăn chặn virus lây lan trong tuần tới. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc nỗ lực này”.
Đại diện WHO nhận định đợt bùng phát dịch nghiêm trọng thời gian gần đây tại Campuchia rất có thể do biến chủng nCoV mới B117.
Kể từ ngày 20/2, Campuchia có thêm 1.062 bệnh nhân Covid-19. Hôm 16/3, tờ Khmer Times dẫn thông tin từ Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận số ca bệnh cao kỷ lục (105 trường hợp), gồm 35 người Campuchia, 50 công dân Trung Quốc, 11 công dân Việt Nam, 8 công dân Thái Lan và một công dân Malaysia.
Lần gần nhất Campuchia ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng là vào tháng 11/2020.
3 ca tử vong trong gần 2 tuần
Tối 19/3 (theo giờ địa phương), tờ Khmer Times đưa thông tin Campuchia ghi nhận nạn nhân thứ 3 của quốc gia này tử vong vì Covid-19.
Ca tử vong mới nhất là nam, 46 tuổi, cư trú tại Sangkat Boeung Salang, quận Toul Kork, thủ đô Phnom Penh. Các bác sĩ thông báo nạn nhân tử vong vào 15h30. Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý nền hay gặp vấn đề nào nghiêm trọng về sức khỏe trước đó.
Vì vậy, các bác sĩ kết luận SARS-CoV-2 chính là thủ phạm trực tiếp gây chết người. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy liên tục nhưng không cải thiện được tình hình.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo về trường hợp tử vong thứ 2 của quốc gia này. Đó là bà Noun Shphany, 65 tuổi, từng điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Liên Xô – Khmer.
Cơ quan này cho biết nạn nhân qua đời vào 11h45 ngày 19/3, nguyên nhân là biến chứng Covid-19. Trước đó, bà có kết quả dương tính với nCoV vào ngày 10/3 khi đang chữa trị tại Trung tâm Phòng chống lao và phong Quốc gia. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, tiền sử mắc nhiều bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì nên đã được chuyển viện.
Trước đó, ngày 11/3, Campuchia ghi nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong. Theo Reuters, người bệnh là nam giới, làm nghề tài xế, xét nghiệm dương tính vào ngày 27/2.
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu người dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, đóng cửa các khu vực đền, chùa, nơi công cộng. Chiến dịch tiêm chủng cũng đang được triển khai nhanh chóng.
Sáng 19/3, Thủ tướng Hun Sen thông báo 1,5 triệu liều vaccine Sinovac sẽ cập bến nước này vào ngày 26/3. Ngoài ra, 400.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc viện trợ cũng sẽ gửi tới Campuchia trước dịp Tết của người Khmer.
Đến nay, Campuchia đã nhận được hơn 820.000 liều vaccine, trong đó, 600.000 liều là của Sinopharm, 320.000 liều từ AstraZeneca thông qua chương trình COVAX.
(Theo Phnompenh Post)
Theo: Cánh cò