Không biết phải do vô tình hay cố ý mà gần như năm nào cũng thế vào 14/3 – ngày tưởng niệm 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến giữ đảo đá Gạc Ma thì y như rằng những kẻ chống phá lại được dịp hô hào, tỏ lòng xót thương, kêu gào tưởng niệm, kích động người dân…
Lời xuyên tạc ấu trĩ của Phạm Minh Vũ.
Cụ thể mới đây, Việt Tân đăng tải bài viết của Phạm Minh Vũ có tiêu đề: “Anh đã ra lệnh không nổ súng?” lộng ngôn rằng: “Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh đã ra lệnh không nổ súng”, “ngày hôm nay, chỉ lác đác vài người thân trong gia đình của 64 chiến sĩ hy sinh ấy làm mâm cỗ để giỗ”, và kèm với những lời xảo trá ấy là bức ảnh “Gạc ma không được bắn. Đồng Tâm cứ nhằm thẳng mà bắn”.
Có thể khẳng định một điều, không có chuyện “mất Gạc Ma do bộ đội Hải quân không dám nổ súng, vì một lãnh đạo cao cấp đã ra lệnh không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào”, không có chuyện “Nhà nước bưng bít thông tin vụ 14/3/1988”. Chúng ta hãy ngược lại thời gian về năm 1988, ngay sau khi trận Gạc Ma 14/3/1988 xảy ra, Báo Nhân Dân và Báo Hà Nội Mới số ra ngày 15/4/1988 đã đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung có đoạn: “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”. Thực chất tuyên bố này nói lên điều gì? Nếu các chiến sĩ Hải quân Việt Nam không được nổ súng thì tại sao Trung Quốc có 6 lính chết và 18 lính bị thương trong cuộc hải chiến đó? Những luận điệu mà Phạm Minh Vũ đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.
“Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương”, đó là nguyên tắc ứng xử của bộ đội Hải quân Việt Nam trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay, thì tại sao lại nói rằng, bộ đội Hải quân “không dám nổ súng”, “không được nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào”?
Chiêu bài chống phá của chúng không dừng lại ở những bài viết vu oan giá hoạ mà còn là những hành động hô hào “tưởng niệm” ở những nơi công cộng như tượng đài Lý Thái Tổ. Nếu thực sự muốn “tri ân” sao phải đến bằng được những nơi công cộng? Nếu như chúng muốn “tỏ lòng biết ơn” đến các anh hùng liệt sỹ thì nên đến khu tưởng niệm chứ? Nói trắng ra cũng chỉ là cái cớ cho chiêu trò chống phá Nhà nước để phục vụ cho cái mưu đồ cá nhân mà thôi. “Tri ân” nhưng chúng chẳng hề có lấy một nén hương, chẳng có nỗi lời thăm hỏi động viên tới gia đình các liệt sỹ, mà lại cứ đem nhau ra vườn hoa, ra công viên mà hô hào, kích động. Tuy nhiên, có lẽ vì quá tự tin vào những “thành quả” có thể đạt được mà đám “dân chủ” lại quên mất rằng, chính những hành động của chúng đang tự tố cáo sự ngu dốt và dối trá của mình.
“Tưởng niệm” Gạc Ma ở… tượng đài Lý Thái Tổ?
Trong khi các nhà “dân chủ” hô hào, diễn trò ở đâu đó, thì buổi lễ tưởng niệm thật sự, có sự tham dự của gia đình các liệt sỹ Gạc Ma, được tổ chức tại Khu tưởng niệm liệt sỹ hy sinh Gạc Ma, tỉnh Khánh Hoà. Đó là khu tưởng niệm đúng nghĩa, được xây dựng từ sự đóng góp của các tổ chức công đoàn, cũng như những tấm lòng hảo tâm thật sự của đồng bào trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy đất nước luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ và đời đời khắc ghi, và cũng là minh chứng bác bỏ những lời chê bai ấu trĩ rằng Nhà nước không tưởng niệm cho các tử sĩ Gạc Ma. Còn nhớ, trước đây “phường dân chủ” vẫn luôn đòi phải có tượng đài hay khu tưởng niệm trang trọng cho các liệt sỹ Gạc Ma, nhưng nay khi nó đã sừng sững trước mắt, sao chẳng thấy bóng dáng các nhà “dân chủ cuội”, mà lại đi “tưởng niệm” một cách tạp nham? Nên nhớ, 64 liệt sỹ Gạc Ma hi sinh vì nền hòa bình, tự do của đất nước, dân tộc, và chắc chắn rằng, gia đình họ sẽ không bao giờ cho phép ai, thế lực nào lợi dụng sự hi sinh của họ để gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự bình yên của đất nước.
Thực tế, chiêu bài “tri ân, tưởng niệm” để lôi kéo sự chú ý đã quá cũ. Trong khi chúng ta khép lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp trong mối quan hệ quốc tế, thì chúng lại cố tình kích động lòng hận thù, hướng lái dư luận, mà mục đích thật sự, chỉ là để “đánh bóng” tên tuổi của mình trong “giới” chống phá. Người Việt luôn biết ơn và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ lá cờ của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Chính vì lẽ đó, những lời lẽ xuyên tạc về trận chiến này sẽ bị lên án kịch liệt. Tri ân là nói lên sự thật, chứ không phải là bẻ cong nòng súng của cha anh, thêm bớt, chắp vá để nó trở nên méo mó trong mắt thế hệ mai sau.
Nguồn: Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Tre làng
Theo: Hội Cờ đỏ