Người dân TP.HCM vẫn đang bị ‘tra tấn’ cả ngày lẫn đêm vì tiếng ồn từ karaoke tự phát.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn yêu cầu nhiều sở ngành tăng cường phòng, chống vi phạm về tiếng ồn sau khi báo chí phản ánh nạn karaoke tự phát trên các tuyến đường, trong các khu dân cư khiến người dân mất ăn mất ngủ.
“Chịu không thấu” vấn nạn karaoke, người dân cầu cứu UBND TP.HCM
Thực tế, trong 4 năm qua, TP.HCM đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo các sở ngành và UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Đơn cử, hồi tháng 12.2017, TP.HCM ban hành công văn số 16475 về việc tăng cường xử lý vi phạm các quy định về tiếng ồn để phòng ngừa phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Đến đầu tháng 7.2019, UBND TP.HCM tiếp tục có công văn số 2635 về việc triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn và rải đinh, vật nhọn trên đường.
Trong năm 2020, TP.HCM có ít nhất 5 văn bản, kế hoạch triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn sau khi báo chí phản ánh nhưng nạn hát karaoke tự phát gây ồn chưa có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục len lỏi vào từng hẻm nhỏ, xóm ấp tra tấn người dân.
Tại văn bản chỉ đạo mới nhất (ngày 26.2), Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành, quận huyện triển khai các biện pháp trước mắt và lâu dài để trị nạn hát karaoke tự phát.
Án mạng từ chuyện giành hát karaoke loa kẹo kéo
Cụ thể, về biện pháp trước mắt là thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm về tiếng ồn. Giám đốc Công an TP.HCM tiếp tục quán triệt, chỉ đạo Công an TP.Thủ Đức và công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn kịp thời và xử lý các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn và chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.
Giao trách nhiệm cho một phó chủ tịch
Về giải pháp lâu dài, ông Phong giao Giám đốc Sở TN-MT phối hợp với giám đốc Công an TP.HCM, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc Sở Tư pháp khẩn trương nghiên cứu các nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nhóm giải pháp về tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… trình Chủ tịch UBND TP.HCM trước ngày 31.3.
Ngoài ra, ông Phong cũng phân công Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo, định hướng các sở ngành thực hiện nhiệm vụ này.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Chủ tịch 312 phường, xã, thị trấn ngày 26.2, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do hát karaoke ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân.
Phó giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực nhìn nhận tiếng ồn từ karaoke không phát sinh từ các nhà hàng, đơn vị có chức năng kinh doanh karaoke mà chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình ở các khu phố, xóm ấp. Bên cạnh đó, nhiều quán ăn ngoài trời, lấn chiếm vỉa hè, tổ chức ăn uống tạo điều kiện cho một số người kéo loa kẹo kéo đến hát karaoke.
Do mỗi phường, xã chỉ có một công chức địa chính phụ trách môi trường nên việc lập biên bản xử lý hát karaoke gây ồn hoặc sử dụng loa kẹo kéo ở các quán ăn trên vỉa hè, lòng đường là bất khả thi. Sắp tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy định, thành lập tổ liên ngành ở các xã, phường để xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Sỹ Đông
Theo: Cánh cò