Hai nhóm nghiên cứu của Mỹ phát hiện một biến thể nCoV mới đang lây lan ở thành phố New York, mang đột biến có thể kháng vaccine.
Biến thể tên B.1.526, lần đầu xuất hiện hồi tháng 11/2020. Đến giữa tháng 2 năm nay, nó chiếm khoảng một phần tư chuỗi virus trong cơ sở dữ liệu của các nhà khoa học.
Nghiên cứu đầu tiên về biến thể này do nhóm chuyên gia ở Viện Công nghệ California (Caltech) thực hiện, được đăng tải trên trang web bioRxiv hôm 23/2. Công trình còn lại của các nhà khoa học Đại học Columbia, công bố sáng 25/2. Cả hai đều chưa qua bình duyệt, song kết quả tương đồng cho thấy bằng chứng về sự lây lan của biến thể mới.
Michel Nussenzweig, nhà miễn dịch học Đại học Rockefeller, nhận định: “Đây không phải tin vui. Nhưng chúng ta cần biết về nó và xử lý nó”.
Tiến sĩ Nussenzweig lo ngại B.1.526 có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể CAL.20C ở California. Hai biến thể này cùng với B.1.1.7 nguồn gốc từ Anh, dự báo trở thành những thể nCoV phổ biến nhất tại Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng vật chất di truyền và sự thay đổi của virus. Họ kiểm tra trình tự gene được lấy từ một tỷ lệ nhỏ những người nhiễm bệnh, lập biểu đồ về sự xuất hiện của các phiên bản mới.
Các nhà khoa học từ Caltech đã phát hiện sự gia tăng của B.1.526 bằng cách quét các đột biến trong hàng trăm nghìn trình tự gene virus. Anthony West, chuyên gia sinh vật học tại Viện, nhận định: “Có một mô hình lặp lại và một nhóm các cá thể virus phân lập tập trung ở khu vực New York mà tôi chưa từng thấy”.
Ông và các đồng nghiệp đã tìm được hai phiên bản khác nhau của biến thể này. Một phiên bản mang đột biến E484K, từng xuất hiện trước đó trong biến thể Nam Phi và Brazil, có thể giúp virus né tránh vaccine. Phiên bản còn lại mang đột biến S477N, khiến virus dễ dàng liên kết với tế vào người. Giữa tháng này, cả hai chiếm khoảng 27% trong chuỗi virus của thành phố New York.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Columbia có cách tiếp cận khác. Họ phân tích 1.142 mẫu bệnh phẩm của người mắc Covid-19, phát hiện 12% đã nhiễm biến thể lạ, chứa đột biến E484K. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân này là 6 tuổi.
Đối với giới khoa học, sự xuất hiện đột ngột của các biến thể nCoV là điều đáng lo ngại. Đột biến E484K đã lưu hành độc lập ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy nó mang lại cho virus một lợi thế đáng kể. Andrew Read, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Penn State, cho biết: “Các biến thể có lợi thế sẽ tăng lên khá nhanh về tần suất, đặc biệt khi số ca nhiễm đang giảm dần”.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đột biến E484K ít nhạy cảm với vaccine hơn so với dạng ban đầu của virus. Tiến sĩ Nussenzweig cho biết đột biến này can thiệp vào hoạt động của một lớp kháng thể mà hầu như tất cả mọi người đều sản sinh.
Song các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan. Tiến sĩ Read nói: “Virus khó bị vaccine kiểm soát hơn, nhưng đây không phải tin tức quá đáng ngại”.
Thục Linh (Theo NY Times)
Theo: Cánh cò