Đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới và khiến cho gần như tất cả các nền kinh tế đều rơi vào tình trạng khủng hoảng, tê liệt, trong đó Nhật Bản dường như gánh chịu một đòn khá nặng về mọi mặt. Tuy nhiên, ngay cả trước khi dịch bệnh này bùng phát thì Nhật Bản cũng đã là một trong những nước phát triển có mức độ sa sút kinh tế rõ rệt nhất trên thế giới.
Theo kết quả điều tra của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đối với các hộ gia đình trên hai người, chi tiêu trung bình của hộ gia đình nước này trong năm 2020 đã giảm 5,3% so với năm trước đó.
Trong đó, tỷ lệ chi tiêu cho “nhu cầu ăn mặc” trong tổng mức chi tiêu hộ gia đình Nhật đã giảm từ 3% xuống còn 1,86%, trong khi ở chiều ngược lại, tỷ lệ chi tiêu cho “nhu cầu làm đẹp” tăng từ 2,14% lên 2,69%.
Các khoản tăng chi tiêu khác gồm có chi tiêu cho “y tế” tăng từ 3,58% lên 5,11% (mức tăng thực tế là 25,2%), chi tiêu cho “thông tin liên lạc” tăng từ 3% lên 4,85% (mức tăng thực tế là 41,6%), cùng với chi tiêu cho “thực phẩm” cũng tăng từ 23,3% lên 27,5%. Trong khi đó, chi tiêu cho “giáo dục” lại giảm từ 4,39% xuống còn 3,7% (mức giảm thực tế là 26,1%).
Dường như thu nhập của người dân đã giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thắt chặt chi tiêu hộ gia đình.
Theo thống kê của Cục thuế Quốc gia Nhật Bản, mức lương trung bình của người dân Nhật Bản vào năm 2009, thời điểm xảy ra “Cú sốc Lehman” giảm xuống 4,059 triệu Yen (38.467 USD), chỉ bằng 88% so với năm 2000 (4,61 triệu Yen), nhưng mức lương trung bình vào năm 2018 cũng chỉ là 4,407 triệu Yen, đến năm 2019 là 4,364 triệu Yen, còn năm 2020 là 4,312 triệu Yen, kéo theo chi tiêu hộ gia đình giảm sút, chỉ còn 87,6% so với trước.
Cũng theo cơ quan thuế nước này, gánh nặng về thuế và an sinh xã hội tại Nhật Bản đang ngày càng tăng. Nếu như năm 2000, tỷ lệ đóng góp cho các khoản thuế là 22,9% và cho an ninh xã hội là 13,1%, tổng là 36%, thì đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng thêm 8,6 điểm phần trăm với tổng là 44,6% (đóng góp cho các khoản thuế là 26,5% và cho an sinh xã hội là 18,1%).
Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản phải gánh một phần cho thuế tiêu dùng với mức tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Cụ thể, thuế tiêu dùng là 5% vào năm 2013, đã tăng lên 8% vào năm 2014 và 10% từ tháng 10/2019.
Với mức thâm hụt ngân sách năm 2020 lên đến 49,9% thì một kịch bản tăng thuế tiêu dùng là khó có thể tránh khỏi với mức thuế có thể lên đến 15% hoặc 20%, qua đó tác động trực tiếp đến chi tiêu hộ gia đình.
Nền kinh tế Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn dài trì trệ mặc dù đảng Dân chủ Tự do (LDP) vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách ưu tiên phát triển kinh tế. Từ một nước có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt qua và đến năm 2019, GDP của Nhật Bản chỉ còn tương đương 1/4 GDP của Mỹ và khoảng 1/3 GDP của Trung Quốc.
Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này, theo đó trong quý II/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm tới 27,8% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19.
Theo Trung tâm đánh giá năng suất lao động Nhật Bản, chỉ số năng suất lao động của Nhật Bản năm 2019 chỉ là 47,9 USD/giờ, tương đương 62,2% so với Mỹ (77 USD/giờ). Xét về chỉ số này trong số 37 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản từ vị trí thứ 19 (năm 1980) và thứ 20 (năm 1990) đã rơi xuống vị trí thứ 21 vào năm 2019.
Trong khi đó, năng suất bình quân đầu người của nước này trong năm 2019 là 81.183 USD, chỉ bằng 59,7% so với Mỹ (136.051 USD), từ vị trí thứ 15 (năm 1990) và 19 (năm 2000) đã rơi xuống vị trí thứ 21.Cũng theo thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản trong năm 2019 là 43.279 USD, tương đương 66,4% của Mỹ (63.143 USD). Mặc dù Nhật Bản từng chiếm vị trí thứ sáu trong số các nước OECD vào năm 1996, đứng thứ hai trong số các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), sau Mỹ, về chỉ số này nhưng đến năm 2019, nước này đã rơi xuống vị trí thứ 21 trong OECD.
Ngày 27/1/2021, Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), ông Hiroaki Nakanishi trong một cuộc họp trực tuyến đã nhấn mạnh: “Mức lương trung bình của Nhật Bản đã giảm đáng kể so với các nước thành viên của OECD, cả phía người lao động và phía cơ quan quản lý đều cũng bày tỏ cảm giác khủng hoảng đối với mức lương của Nhật Bản”.
Điều này cho thấy việc Nhật Bản có xu hướng “nghèo đi” và đây đang trở thành vấn đề cấp bách mang tính quốc gia. Có lẽ Nhật Bản nên xây dựng một chiến lược lâu dài, thay vì kỳ vọng vào một cú hích nào đó từ việc tổ chức Thế vận hội Olympic, vốn đã không còn là lá bài chiến lược do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Japan Times)
Theo: Cánh cò