Nội dung phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price là thông điệp cứng rắn gửi đến Trung Quốc, đồng thời là cam kết của chính quyền mới đối với vấn đề Biển Đông.
Ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã chủ động bày tỏ thái độ quan ngại mạnh mẽ của Mỹ trước việc Trung Quốc ra luật hải cảnh mới.
Đây là hành động răn đe mạnh mẽ với Trung Quốc và thể hiện cam kết kịp thời với các nước khu vực về sự can dự nhất quán của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.
Hệ lụy nguy hiểm của luật hải cảnh
Từ ngày 1/2, luật hải cảnh do Trung Quốc ban hành chính thức đi vào hiệu lực. Theo đó, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả việc sử dụng vũ khí” đối với tàu nước ngoài được nước này cho là “xâm phạm vùng biển được cho là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.
Đa số dư luận quốc tế đánh giá luật hải cảnh sẽ tạo cơ sở cho việc gia tăng các hành vi hung hăng của Trung Quốc, là bước đi hiện thực hoá các yêu sách phi pháp tại Biển Đông như yêu sách Tứ Sa.
Nội dung luật không nói rõ phạm vi, giới hạn các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc cho thấy hải cảnh Trung Quốc có thể hoạt động tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác.
Nguy hiểm hơn, việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ lực sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Các chuyên gia cho rằng nội dung của luật hải cảnh tiếp tục làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trước động thái của Trung Quốc, nhiều quốc gia có lợi ích trực tiếp đã công khai bày tỏ quan ngại.
Phillippines đã ra công hàm ngoại giao phản đối, Ngoại trưởng Philippines Locsin thậm chí còn so sánh động thái của Trung Quốc là “đe doạ chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào dám chống lại”. Các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao các nước Anh và Nhật Bản cũng đã kêu gọi Trung Quốc không có các hành động làm leo thang căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh “các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.
Sau khi luật hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết 2 tàu hải cảnh Trung Quốc, trong đó có 1 tàu trang bị vũ khí áp sát 1 tàu cá Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đã lên án hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ba thông điệp cứng rắn với Trung Quốc
Nội dung phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price là thông điệp cứng rắn gửi đến Trung Quốc, cũng là bước đi kịp thời thể hiện rõ cam kết, sự coi trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với vấn đề Biển Đông.
Thứ nhất, phía Mỹ thể hiện “quan ngại đặc biệt” việc Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực nhằm thực thi các yêu sách tại Biển Đông, Hoa Đông, chỉ rõ nguy cơ Trung Quốc có thể viện dẫn luật này để phá huỷ các cấu trúc kinh tế của các nước tại các vùng biển tranh chấp và đe doạ các nước láng giềng trên biển. Tuyên bố cũng khẳng định rõ “các hoạt động quấy rối của Trung Quốc tại các vùng biển của các bên yêu sách khác là phi pháp”.
Không loại trừ đây có thể sẽ là tiền đề quan trọng để chính quyền ông Biden cân nhắc có các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc thời gian tới. Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã trừng phạt với nhiều cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc cưỡng ép, đe doạ các bên yêu sách Đông Nam Á tiếp cận nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Thứ hai, chính quyền ông Biden tiếp tục nhắc lại sự ủng hộ và cam kết của Mỹ đối với phán quyết của Toà Trọng tài 2016, Tuyên bố của Chính quyền Donald Trump về quan điểm của Mỹ liên quan đến các yêu sách hàng hải tại Biển Đông (13/7/2020) – vốn đã trực diện chỉ rõ và phản đối mạnh mẽ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
Điểm mới đáng chú ý trong tuyên bố lần này là việc phía Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc cần thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc kiềm chế sử dụng vũ lực, bên cạnh việc đảm bảo các yêu sách hàng hải phù hợp với UNCLOS 1982.
Tuyên bố này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, nhất là đối phó với các yêu sách và hành vi phi pháp của Trung Quốc.
Thứ ba, chính quyền ông Biden cũng khẳng định việc ủng hộ các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và các nước khác trong việc bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh Trung Quốc; đồng thời, tái khẳng định việc sẽ bảo vệ Philippines và Nhật Bản tại Biển Đông và Hoa Đông theo hiệp ước đồng minh.
Bên cạnh thông điệp răn đe Trung Quốc kiềm chế có các hành động khiêu khích, đây là cách Mỹ trấn an và thể hiện sự ủng hộ các nước khu vực trước các hành vi khiêu khích của Trung Quốc.
Tiếp tục coi trọng Biển Đông, tăng cường hợp tác quốc tế
Không chỉ có phản ứng kịp thời đối với luật hải cảnh Trung Quốc, trên thực tế, triển khai chính sách trong khoảng 1 tháng đầu cho thấy vấn đề Biển Đông dành sự quan tâm cao của Mỹ, tiếp tục là cấu phần quan trọng của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, cũng như trong chính sách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden.
Trong gần như tất cả các cuộc điện đàm với các đối tác chủ chốt tại khu vực, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Tổng thống Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định ưu tiên bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, mở, tỏ quan ngại trước các các hoạt động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực.
Ngoại trưởng Blinken họp trực tuyến cùng ngoại trưởng các nước Bộ Tứ cũng khẳng định việc thúc đẩy hợp tác với các nước Nhật, Ấn, Australia nhằm hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy “tự do hàng hải, hàng không” tại khu vực. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết cả 4 nước đều “phản đối mạnh mẽ luật hải cảnh mới của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Đáp lại một số lo ngại về nguy cơ thoả hiệp Mỹ – Trung, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hiện là Đặc phái viên Tổng thống Biden về vấn đề Khí hậu cũng khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ không bị “đánh đổi” đối với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu – dù đây là một trong các ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden.
Chính quyền Biden cũng duy trì hiện diện thường xuyên và liên tục tại Biển Đông. Trên thực tế, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng kể từ khi nhậm chức, chính quyền Biden đã hai lần tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.
Đáng chú ý, sau khi tuyên bố điều tàu sân bay USS Nimitz từ Trung Đông về hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương, Mỹ đã triển khai tập trận nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và USS Nimitz (CVN-68) vào ngày 9/2. Đây là lần đầu tiên Mỹ cử 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông kể từ tháng 7/2020.
Ngoài việc chủ động triển khai các hoạt động tại Biển Đông, chính quyền Biden chú trọng hợp tác với đồng minh, đối tác nhằm thiết lập sức mạnh tập thể để cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và ngăn chặn các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 28/1, Mỹ và các nước đồng minh, đối tác chủ chốt là Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Canada kết thúc cuộc tập trận Sea Dragon tại Guam.
Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (23/1), Mỹ và Anh khẳng định sẽ lần đầu tiên triển khai đưa tiêm kích F-35, 1 tàu khu trục Mỹ là USS The Sullivans (DDG-68) hoạt động cùng đội tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại các vùng biển quốc tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó cho biết khu vực nhóm tác chiến tàu sân bay trên sẽ hoạt động sẽ bao gồm tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng việc triển khai tàu HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông sẽ là một phần của xu hướng các quốc gia có chung chí hướng gia tăng sức ép đối với Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết tâm hiện thực hoá các yêu sách tại Biển Đông, Tổng thống Biden cũng đã công khai xác định “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ”, nhiều khả năng Biển Đông vẫn sẽ là một trong các địa bàn trọng điểm thể hiện rõ nét cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá để răn đe và kiềm chế hiệu quả hơn việc Trung Quốc hiện thực hoá các yêu sách phi pháp, trong khi tránh tạo ra các lo ngại về mặt an ninh cho các nước khu vực, chính quyền ông Biden cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các can dự về ngoại giao – pháp lý, như việc cân nhắc phê chuẩn UNCLOS 1982, tăng cường phối hợp đồng minh, đối tác về các hiện diện quân sự ở mức độ phù hợp và hỗ trợ năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước khu vực, trong đó có các nước Đông Nam Á.
Mỹ Châu
Theo: Cánh cò