Phủ tổng thống Nga tố cáo phía Mỹ can thiệp vấn đề nội bộ khi phát cảnh báo cho công dân tránh xa các cuộc biểu tình liên quan vụ bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Theo AFP, khoảng 3.500 người bị bắt giữ tại nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Nga ngày 23.1, kêu gọi chính quyền trả tự do cho nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Trước cuộc biểu tình, đại sứ quán Mỹ tại Moscow phát cảnh báo với người Mỹ tại Nga, khuyến cáo tránh xa các cuộc biểu tình. Một người phát ngôn đại sứ quán cho rằng việc các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài phát thông điệp cảnh báo an toàn đến công dân là điều thông thường.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng hành động này không thích hợp và gián tiếp can thiệp vào vấn đề nội bộ của Nga.
Ông Peskov nói nếu đại sứ quán Nga tại Mỹ phát thông điệp tương tự sẽ gây ra cảm giác khó chịu tại Washington D.C. Bên cạnh đó, ông Peskov còn cáo buộc đại sứ quán Mỹ gián tiếp ủng hộ vi phạm luật pháp Nga và các cuộc biểu tình trái phép. Theo đài RT, các cuộc tụ tập đông người ở hầu hết lãnh thổ Nga đang bị cấm nhằm ngăn ngừa lây lan Covid-19.
Người biểu tình ủng hộ ông Navalny đụng độ với cảnh sát Moscow (REUTERS)
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ triệu tập đại diện đại sứ quán Mỹ để yêu cầu giải thích. Phía Nga cáo buộc đại sứ quán Mỹ “đạo đức giả” sau khi phía Mỹ cho rằng việc cảnh sát Nga phản ứng với cuộc biểu tình là hành động có kế hoạch nhằm đàn áp tự do ngôn luận và biểu tình ôn hòa.
Ông Navalny bị bắt vào hôm 17.1 khi từ Đức về Nga với hình phạt 30 ngày vì vi phạm điều khoản trong bản án tù treo trước đó. Hồi tháng 8.2020, ông Navalny ngã gục trên chuyến bay nội địa từ Siberia về Moscow và sau đó được đưa đến Berlin (Đức) trong tình trạng hôn mê.
Ông Navalny cho rằng đã bị chính quyền đầu độc bằng chất độc thần kinh nhưng chính quyền Nga phủ nhận và tố cáo ông cấu kết với tình báo nước ngoài để bôi nhọ đất nước.
Vi Trân (Thanhnien.vn)