Qua nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách, tôi được biết chuyến “xuất ngoại then” trên đất Pháp mà anh thực hiện năm 2017 là thành quả “ngọt ngào” mà Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà đã xuất sắc giành được giải thưởng của Chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà thế giới chưa biết đến.
Chương trình sáng lập bởi Maison des cultures du monde (Ngôi nhà của các nền văn hóa thế giới – MCM) thuộc Trung tâm Di sản Văn hóa Pháp (CFPCI), nơi chị đang công tác.
Đại dịch COVID-19 khiến Tiến sĩ Hà không thể về nước và đương nhiên tôi không thể gặp được chị, thế nhưng chúng tôi đã có những sự trao đổi hết sức chân tình, cởi mở thông qua mạng xã hội Facebook.
Chị từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Văn hoá chuyên ngành Quản lý văn hoá và trở lại giảng dạy tại chính ngôi trường này. Sau đó chị đã chọn nghiên cứu chuyên sâu về ngành Nhân học và xin được học bổng sang Pháp làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Paris Ouest, Nanterre la Défense.
Nhận bằng Tiến sĩ, chị công tác tại MCM và cũng là người Việt Nam duy nhất làm việc tại đây. Là người Việt xa xứ, chị thường xuyên kết nối, giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Pháp cũng như trên thế giới để thiết kế các buổi trình diễn, hội thảo, triển lãm tại MCM.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà.
Nói về Chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà thế giới chưa biết đến, Tiến sĩ Hà cho biết, Chương trình này bắt đầu năm 2012 và từ đó đến nay mỗi năm trao giải thưởng duy nhất cho một nhà nghiên cứu trẻ tuổi sống tại Pháp thực hiện một dự án nghiên cứu và quảng bá một di sản văn hóa trên thế giới ít được biết đến, thậm chí chưa được biết đến ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung.
Chương trình đã thúc đẩy trao đổi và đối thoại giữa các hình thức biểu đạt và bản sắc văn hóa của các dân tộc trên thế giới cũng như thúc đẩy sự đa dạng văn hóa. Tại đây, các di sản văn hóa phi vật thể được giới thiệu qua các hình thức trình diễn trên sân khấu của Nhà hát Alliance Francaise trong khuôn khổ Festival de IImaginaire được tổ chức hằng năm hoặc thông qua các buổi triển lãm, hội thảo chuyên đề.
Để thực hiện dự án hát then của mình, Tiến sĩ Hà đã trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc và hết sức kỳ công. Chị đã về nước điền dã thực địa nhiều ngày ở Lạng Sơn và quay phim về nghi lễ then kéo dài vài ngày, thông đêm của người Tày, Nùng.
Chị đã gặp những thầy then thực thụ như Nông Thị Lìm, Chu Văn Minh, Nguyễn Văn Thọ cũng như những nghệ sĩ phát triển then theo một hướng khác là trình diễn trên sân khấu như Triệu Thủy Tiên, Nguyễn Văn Bách, Nông Công Nam. Dựa trên những tư liệu đó, chị thiết kế 2 buổi trình diễn trên sân khấu trong thời gian 2 tiếng với những trích đoạn đặc sắc nhất.
Đây chính là lý do mà các thầy then, nghệ sĩ then được mời sang Pháp trình diễn tại sân khấu Mandapat trong khuôn khổ Festival Immaginaire 2017. Cùng với đó, chị đã tổ chức một buổi hội trao đổi về then kết hợp trình diễn then tại trung tâm Péniche Anako. Các năm tiếp sau đó, chị tiếp tục tổ chức trưng bày về then qua các video, hình ảnh, nhạc cụ, đạo cụ trình diễn tại MCM.
Nhiều người thắc mắc tại sao chị lại quyết định chọn then để giới thiệu trên đất Pháp thì nhận được câu trả lời của chị rằng: Nếu như các nhà nghiên cứu trẻ khác được giải của MCM thường gắn dự án với luận án tiến sĩ của mình vì việc nghiên cứu sâu mất nhiều thời gian thì thời điểm chị viết dự án về then, luận án của chị lại nghiên cứu về Đức Thánh Trần, tuy nhiên chị vẫn làm song song dự án về then. Khi chị bắt đầu cho dự án vào năm 2015 để dự thi với rất nhiều đại diện của các nước, chị đã nghĩ ngay đến then vì rất nhiều lý do.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà và các nghệ nhân then tại Pháp.
“Then là một loại hình diễn xướng dân gian mang tính chất tâm linh rất độc đáo, tuy nhiên ngay cả đối với người Việt cũng không biết đến loại hình trình diễn này và tất nhiên những Việt kiều tại Pháp cũng như người Pháp còn rất xa lạ với then vì vậy tôi muốn then được biết nhiều hơn, được trân trọng nhiều hơn. Năm 2015, khi tôi bắt đầu viết dự án thì hồ sơ then đang trình lên UNESCO (trụ sở tại Pháp) để được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì thế với dự án này, tôi hi vọng góp phần nhỏ của mình để giới thiệu then với công chúng Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, theo như nghiên cứu, dưới thời Mạc hát then phát triển rất rực rỡ nhưng đến nay đã dần mai một. Là người con gốc họ Mạc, cũng là người rất yêu thích then, tôi mong muốn dự án này là một phần tưởng nhớ đến tổ tiên của mình”, Tiến sĩ Hà cho biết.
Then là loại hình trình diễn nên sự có mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ then Việt Nam tại Pháp là dấu ấn đáng ghi nhớ với một bộ phận công chúng Pháp và tất nhiên then vì thế cũng đã được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ tài trợ của MCM thì cũng chỉ có thể mời được một lần, nên chị hi vọng dự án của mình được biết đến nhiều hơn, có nhiều nhà tài trợ hơn.
Còn thời điểm hiện tại, theo chị để có một cách để duy trì, phát triển dự án trong một nguồn kinh phí hạn hẹp đó là làm cho khán giả luôn gợi lại trí nhớ, sự tò mò về nó.
Cụ thể là trong các buổi biểu diễn của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, MCM cũng luôn trưng bày lại một phần hình ảnh của các dự án đoạt giải các năm. Đó có thể là các tấm áp phích của buổi biểu diễn, một số hình ảnh được chụp lại, một số nhạc cụ hay bán những tấm bưu thiếp, kẹp sách, túi vải, đồ lưu niệm có in hình liên quan đến loại hình di sản văn hoá phi vật thể đó.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách nhận định, dự án của Tiến sĩ Hà đặt ra một câu hỏi lớn là làm sao cho di sản thực sự sống lại giữa cộng đồng và sống lại bằng cách nào. Chị đã chỉ được sự tồn tại của di sản phụ thuộc vào thế hệ kế cận và hành động của chính thế hệ này. Nhờ sự tâm huyết của chị dồn lại trong dự án đã giúp di sản then không chỉ “nở cành xanh ngọn” tại nơi nó “đâm sâu bén rễ” mà còn vươn đến tận những vùng miền, châu lục xa xôi mà có lẽ từ trước đến nay, nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối cũng chưa bao giờ nghĩ đến.
“Mặc dù chúng ta cũng đã có nhiều lần đưa hát then ra nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu nhưng đó chỉ đơn thuần là các tiết mục hát then sân khấu do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn chứ chưa phải là diễn xướng then tâm linh do chính các nghệ nhân thực thụ trình diễn như những đêm then tại Paris thông qua dự án của Tiến sĩ Hà. Tiếp nối sự thành công này, tập thể giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc chúng tôi cùng với nhóm Đình làng Việt đã tổ chức thành công chương trình diễn xướng “Câu then Việt Bắc” năm 2018 tại Hà Nội”, nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách nhấn mạnh.
Năm 2019, UNESCO đã công nhận nghệ thuật then của người Tày, Nùng, Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm vui cực lớn với nỗ lực của các nhà nghiên cứu, trong đó có Tiến sĩ Hà. Tuy nhiên câu hỏi lại đặt ra là làm sao để đưa then phát triển xứng đáng với sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế. Là nhà nghiên cứu tâm huyết với then, Tiến sĩ Hà cho biết, vấn đề then chốt để bảo tồn và có thể phát triển then là phải chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận.
Nghe chị say sưa nói về then, tôi buột miệng gọi chị là “bà đỡ” của then trên đất Pháp thì chị nói rằng “danh xưng” này hơi áp lực vì mình phải cố gắng hơn để đưa nghệ thuật then đến rộng rãi với công chúng Pháp và kiều bào tại Pháp.
Tôi tin và chờ đợi những nỗ lực từ chị.
Ngô Khiêm