Ngày 05/01/2021, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam” do Phạm Chí Dũng (SN 1966), cùng đồng phạm là Nguyễn Tường Thụy (SN 1950) và Lê Hữu Minh Tuấn (SN 1989) thực hiện.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2014, Phạm Chí Dũng và đồng phạm thường xuyên tiếp xúc với những đối tượng, tổ chức bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó, cả ba bị cáo nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền. Phạm Chí Dũng khởi xướng thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” và tự xưng là “Chủ tịch” rồi lôi kéo nhiều đối tượng khác gia nhập. Dũng cùng đồng bọn lập trang web “Việt Nam thời báo”, blog nhằm tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ban đầu tổ chức này lôi kéo được hơn 72 người tham gia nhưng về sau nhiều thành viên không đồng tình với cách thức hoạt động cũng như lợi ích mang lại nên đã từ giã. Giữ vai trò “Chủ tịch” cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, Phạm Chí Dũng cùng Nguyễn Tường Thụy (Phó chủ tịch hội), Lê Hữu Minh Tuấn (quản trị website) cùng một số thành viên viết bài, trả lời phỏng vấn công khai trên một số trang mạng.
Cơ quan xét xử xác định bị cáo Dũng viết 25 bài, bị cáo Thụy viết 5 bài, bị cáo Tuấn có 6 bài. Tất cả những bài viết trên đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, Phạm Chí Dũng còn viết bài, trả lời phỏng vấn với nhiều trang tin điện tử cũng như báo, đài nước ngoài trái quy định pháp luật, thu lợi hàng tỉ đồng. Qua đấu tranh tại tòa cùng chứng cứ cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, HĐXX sơ thẩm đủ căn cứ xác định ba bị cáo trên có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án, bị cáo Dũng đóng vai trò cốt cán khi lãnh đạo, chỉ đạo những người khác suốt quá trình phạm tội. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị “đục nước béo cò”, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dư luận, gây chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Do đó cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc đối với ba bị cáo nhằm cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, 2 bị cáo đồng phạm là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị tuyên phạt cùng mức án 11 năm tù.
Các bị cáo tại phiên toà ngày 05/01
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, ngay lập tức một số tổ chức nhân quyền thù địch với Việt Nam, báo đài nước ngoài, trang tin chống phá lại tăng cường xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ án, kiểu như, bản án này cho thấy “sự coi thường của chính quyền Việt Nam đối với tự do báo chí”; “Bằng việc kết án những người này chỉ vì họ đã thực hiện các quyền được hiến pháp Việt Nam đảm bảo, nhà nước đã phản bội lại công lý”, “bản án nhằm bịt miệng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ để đảm bảo cho đại hội diễn ra suôn sẻ”… Ba tổ chức gồm Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR) và Tổ chức Thế giới chống tra tấn (OMCT) đã ra thông cáo chung phản đối các bản án đối với ba thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Còn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) lên tiếng một cách vu vơ khi bày tỏ quan ngại việc Việt Nam sử dụng ngôn từ với cái gọi là “luật được định nghĩa mơ hồ” để bắt giữ ngày càng nhiều nhà báo, blogger và những người bảo vệ nhân quyền. Tất cả đều không thể biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật của ba bị cáo.
Nhưng trên thực tế, cần phải thấy rõ một điều rằng, trước khi điều tra, truy tố, xét xử trước pháp luật cơ quan chức năng đã nhiều lần gặp gỡ ba nhân vật này để nhắc nhở, phân tích làm rõ đúng sai nhưng cả ba vẫn không từ bỏ vi phạm mà ngày càng tỏ thái độ xem thường pháp luật và chống đối chính quyền quyết liệt. Và tất yếu điều gì đến đã đến. Dư luận nhân dân cả nước đồng tình với bản án mà HĐXX đã tuyên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật đối với những kẻ âm mưu cấu kết với các thế lực thù địch ở bên ngoài âm mưu thay đổi thể chế chính trị, chống phá đất nước.
Trang web Việt Nam thời báo của Hội nhà báo độc lập Việt Nam
Cả ba bị cáo đều là những người có nhân thân tương đối tốt, được đào tạo và tôi luyện qua thực tiễn, hiểu biết luật pháp nhưng đã bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối dần dần bị đổi màu. Bản thân Phạm Chí Dũng là tiến sĩ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, Nguyễn Tường Thụy nguyên là cán bộ quân đội về hưu, còn Lê Hữu Minh Tuấn là cử nhân luật. Thế nhưng, chính vì ôm giấc mộng hão huyền họ đã không chịu tu dưỡng, rèn luyện, trong lòng luôn mang nặng tư tưởng bất mãn, tiêu cực, nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ tài chính từ bên ngoài tập hợp lực lượng, sử dụng không gian mạng để chống phá chính quyền, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bản án dành cho Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn là lời cáo chung cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam và cũng là lời cảnh tỉnh cho những kẻ vẫn còn đang nuôi ảo tưởng lật đổ, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Đồng thời đây cũng là lời khẳng định đanh thép của Nhà nước Việt Nam với các tổ chức nhân quyền quốc tế rằng Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, độc lập, tự chủ, tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không một thế lực nào có thể can thiệp và cản trở việc xử lý công dân vi phạm pháp luật.
Kỳ Sơn