Saturday, November 23, 2024

Giảm nghèo bền vững: Thành tựu 35 năm đổi mới của Thủ đô

Giảm nghèo bền vững: Thành tựu 35 năm đổi mới của Thủ đô

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta giờ đây là một trong những điểm sáng trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, một trong số các địa phương đi tiên phong với trách nhiệm và tầm nhìn đó chính là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đặc biệt giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ giảm nghèo thông qua hàng loạt những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội vùng khó khăn, tạo giá đỡ an sinh, trao sinh kế cho người nghèo, người yếu thế… Với những kết quả ấn tượng đó không chỉ tiếp thêm động lực cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, mà còn tạo đà để Thủ đô giảm nghèo bền vững trong những năm tới.

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn hai năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Nếu như đầu năm 2016, thành phố có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội thấp (xếp thứ 4, sau ba tỉnh, thành phố không còn hộ nghèo là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai), tuy nhiên số hộ nghèo của Hà Nội cao thứ 36 trong số 63 tỉnh, thành phố (cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh….). Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội có 14 xã miền núi, vùng thiểu số, trong đó có hai xã thuộc diện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (xã An Phú của huyện Mỹ Đức và xã Ba Vì của huyện Ba Vì).

Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, TP Hà Nội luôn nhất quán quan điểm hỗ trợ người nghèo vươn lên dựa theo nhu cầu, hoàn cảnh, khả năng của từng cá nhân và gia đình. 5 năm gần đây, TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hơn 5.600 hộ nghèo, cận nghèo. Thành phố đã yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ những giải pháp trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế. Chuẩn nghèo của Hà Nội cũng được điều chỉnh theo hướng tăng cao, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ.

Từ năm 2016 đến nay, chuẩn nghèo trên địa bàn Hà Nội là 1,1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Thành phố trợ cấp thường xuyên 350 nghìn đồng/người/tháng tới 5.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo. Đồng thời, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tới người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và người mắc bệnh phong. Các đối tượng này cũng được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức phí ưu đãi. Hiện đã có hơn 500 tỷ đồng được giải ngân.

Nhờ đó, công tác giảm nghèo tại Thủ đô đã thu được những kết quả tích cực. Nếu như năm 2016, thành phố có hơn 65 nghìn hộ nghèo (chiếm 3,64% tổng dân số) thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16%. So với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2% vào cuối năm 2020 trong chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã về đích sớm hai năm. Đến tháng 6-2020, số hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,42%. Đáng chú ý, thành phố có 10 quận, huyện, gồm: Ba Ðình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Ðông, Ðông Anh, Gia Lâm không còn hộ nghèo. Trong đó, quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 75.000 lao động thuộc các đối tượng chính sách. Sau học nghề, 88,45% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng có thu nhập cao hơn. Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng. Những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ hơn 500.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp các hộ nghèo có điểm tựa để vươn lên. Do vậy, dù chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước nhưng công tác giảm nghèo của Hà Nội vẫn đạt kết quả khả quan, bảo đảm tính bền vững. Trong giai đoạn 2016-2019, toàn thành phố có hơn 67.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội giảm từ 3,64% vào đầu năm 2016, xuống còn 0,42% vào cuối năm 2019, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo (trừ người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng tự thoát nghèo).

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ 100% hộ nghèo tiếp cận truyền hình số mặt đất được thực hiện từ năm 2016. Dù công tác giảm nghèo tạo dấu ấn rõ nét, song tỷ lệ giảm nghèo ở Hà Nội nhanh, nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện…

Đây là thách thức không nhỏ, vì thế Thủ đô phải thực hiện đồng bộ giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù, những nguồn lực mà thành phố đang hỗ trợ để làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo. Những nguồn lực cho công tác này phải được phân bổ đúng đối tượng, minh bạch, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích…

Về lâu dài, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng, miền còn nhiều khó khăn nhằm tăng cường kết nối giao thương; gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo… Mấu chốt nhất của giảm nghèo bền vững là phải tạo thêm được nhiều việc làm mới, giúp người dân nâng cao thu nhập. Điều này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải làm tốt việc định hướng phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, xã hội sẽ phát triển theo những nấc thang mới, đòi hỏi việc tạo sinh kế, chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế cũng phải thay đổi phù hợp. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm nguồn lực để “tiếp sức” cho người nghèo có điểm tựa vươn lên; huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này.

Với những giải pháp đồng bộ đã, đang và tiếp tục triển khai, mục tiêu không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

  Bông Lau

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG