Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới là một nhiệm vụ quan trọng – nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Biên phòng, có ý nghĩa quyết định chặn nguồn cung cấp, không để ma túy thẩm lậu vào Việt Nam. Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới nước ta không ngừng gia tăng, diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh, nguy hiểm. Bên cạnh những thủ đoạn truyền thống (xé lẻ, giấu ma túy trong người, phương tiện; cải hoán, gia cố phương tiện để giấu ma túy; tập kết ma túy gần biên giới, thuê các đối tượng cắt rừng đi theo lối tắt, đường mòn, lối mở biên giới, cánh gà cửa khẩu để chuyển vào nội địa), các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy sử dụng nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động mới. Chúng triệt để lợi dụng chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và thành tựu công nghệ thông tin để giao dịch, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” vào nước ta. Đáng chú ý, chúng lợi dụng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, phương tiện quá cảnh để cất giấu, vận chuyển ma túy; móc nối với đối tượng trong nước thành lập các công ty sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu rồi trà trộn ma túy với hàng hóa vận chuyển qua các cửa khẩu, cảng biển đi nước thứ ba tiêu thụ. Các ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy tổ chức ngày càng chặt chẽ, phân chia nhiều công đoạn độc lập, hoạt động xuyên biên giới, mang tính quốc tế; thường xuyên nghiên cứu sản xuất ra nhiều loại ma túy mới, dễ cất dấu, vận chuyển, khó kiểm soát, phát hiện. Đặc biệt, hầu hết các toán, nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt đến cùng khi bị phát hiện, truy bắt, v.v. Cùng với đó, công tác phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do khu vực tuyến biên giới dài, rộng (nước ta có hơn 5.000 km đường biên giới trên bộ và hơn 3.200 km biên giới biển), nhất là tuyến biên giới trên bộ, địa hình hiểm trở, núi cao, rừng rậm, với hàng nghìn đường mòn, lối mở, sông, suối; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, kinh tế, đời sống khó khăn, dễ bị lôi kéo, tiếp tay cho các đường dây tội phạm, tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất ma túy. Trong khi đó, biên chế lực lượng phòng, chống ma túy Bộ đội Biên phòng còn mỏng, trang bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu và lạc hậu, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ, sự phát triển của khoa học, công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nắm tình hình, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy, v.v.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển ma túy, thu giữ 246 kg ma túy đá
Trước thực tế trên và yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống ma túy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, từ bên ngoài biên giới. Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm đã tham mưu cho Đảng ủy Bộ đội Biên phòng ban hành Nghị quyết số 669-NQ/ĐU, ngày 04/8/2019 về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm; xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm vững mạnh toàn diện trong tình hình mới”. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch cụ thể hóa Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”; Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 26/12/2014 của Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban chỉ đạo1389 Bộ Quốc phòng,… phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tích cực xây dựng, triển khai các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới và vùng biển.
Do tính chất phức tạp, nguy hiểm trên mặt trận đấu tranh với tội phạm ma túy, liên quan đến tính mạng, tài sản và sự an nguy của toàn xã hội, nên Bộ đội Biên phòng đã chú trọng kiện toàn lực lượng chuyên trách, nòng cốt là 03 đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, các đội đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm trực thuộc Bộ đội Biên phòng các tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh vững vàng, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ các mặt công tác biên phòng, hoạt động nghiệp vụ khác với công tác phòng, chống ma túy; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh với tội phạm ma túy; tăng cường huấn luyện, luyện tập, tuần tra, kiểm soát biên giới, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, không để bị động, bất ngờ. Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm cùng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo lực lượng chuyên trách đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao chất lượng đội ngũ trinh sát, xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng trinh sát kỹ thuật, mạng lưới cơ sở mật và tai mắt của quần chúng nhân dân,… nhằm điều tra nắm chắc địa bàn, đối tượng, nhất là tình hình hoạt động của các đường dây, ổ nhóm ma túy ở ngoại biên trên tuyến biên giới với Lào, Campuchia. Từ 2015 đến nay, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng đã điều tra cơ bản các địa bàn xã, phường khu vực biên giới và địa bàn có liên quan, các tuyến hoạt động của tội phạm ma túy, tiến hành 160 chuyên đề nghiệp vụ, thực hiện quản lý nghiệp vụ hàng nghìn đối tượng, tạo tiền đề quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngay từ cơ sở.
Để đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Công an,… xây dựng, triển khai thực hiện tốt các quy chế phối hợp nắm tình hình, trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh triệt phá. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tăng cường bám địa bàn, thực hiện “4 cùng” với đồng bào, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; tuyên truyền pháp luật và tác hại của ma túy, vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới”, “Nhân dân tham gia, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm”, cam kết không trồng cây thuốc phiện, không mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy; chủ động phát hiện, cung cấp thông tin và hỗ trợ Bộ đội Biên phòng đấu tranh với tội phạm ma túy, v.v. Trên cơ sở nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, thực hiện thành công hàng trăm chuyên án, vụ án, đấu tranh ngăn chặn hoạt động sản xuất, vận chuyển, triệt phá nhiều đường dây lớn, tụ điểm “nóng” phức tạp; triệt phá, ngăn chặn cơ bản hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới, trọng điểm là tuyến biên giới Mộc Châu và Vân Hồ tỉnh Sơn La. Năm 2019, Bộ đội Biên phòng đã chủ trì bắt 910 vụ/1.156 đối tượng, thu giữ 1.615 kg ma túy các loại, 15 khẩu súng, 258 viên đạn; phối hợp với các lực lượng bắt giữ 1.530 kg ma túy các loại, 13 tấn tiền chất và 15 máy chưng cất ma túy. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ xung kích ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 từ cửa ngõ biên giới; đồng thời, phối hợp triệt phá nhiều chuyên án, vụ án ma túy lớn. Trong đó, chủ trì bắt 316 vụ/582 đối tượng, thu giữ 1.237 kg ma túy các loại, 08 súng quân dụng, 53 viên đạn, 08 ô tô, 63 xe máy và nhiều tang vật khác. Phối hợp với lực lượng chức năng bắt 141 vụ/203 đối tượng, thu giữ 785,5 kg ma túy các loại, 09 khẩu súng và 240 viên đạn, v.v.
Đáng chú ý từ năm 2017 – 2019, khi Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng quyết liệt đấu tranh trấn áp trên tuyến Tây Bắc, bọn tội phạm ma túy chuyển hướng hoạt động xuống khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới với số lượng lớn để tiêu thụ trong nước và vận chuyển đi nước thứ ba. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kịp thời chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam tăng cường tuần tra, kiểm soát, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy ngay từ khu vực biên giới và các cảng biển, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm.
Với tính chất hoạt động xuyên quốc gia, các đường dây tội phạm ma túy có sự liên kết chặt chẽ giữa đối tượng ở trong nước và ngoài nước. Vì vậy, để đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, bóc gỡ triệt để các đường dây ma túy, lực lượng Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, nhất là với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tích cực mở rộng công tác đối ngoại biên phòng theo phân cấp; trong đó, chú trọng phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, kế hoạch phối hợp trao đổi, xác minh thông tin, nắm tình hình hoạt động của tội phạm ma túy từ sớm, từ xa và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh chuyên án, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2020, lực lượng của Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm cùng Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào đã phối hợp với lực lượng chức năng của Lào đấu tranh thắng lợi 86 chuyên án, bắt 204 đối tượng, thu giữ 3.274 kg ma túy các loại, 31 súng, 257 viên đạn, 58 ô tô, 52 xe máy cùng nhiều tang vật có liên quan, triệt phá hàng chục đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam. Riêng năm 2019, lực lượng Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia đấu tranh 21 chuyên án, 08 vụ án chống tội phạm ma túy ở ngoại biên, bắt 64 đối tượng, thu 602,5 kg ma túy các loại, v.v.
Thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực biên giới nước ta vẫn là trọng điểm hoạt động của các đường dây ma túy lớn, hoạt động xuyên quốc gia, thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy ngay ở khu vực biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ đội Biên phòng tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của cấp trên; làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; nâng cao chất lượng công tác trinh sát, nắm tình hình, nhất là những thay đổi về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, tập trung vào các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn ở khu vực biên giới và trên biển để có đối sách, phương án đấu tranh từ sớm, từ xa. Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức lực lượng, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm ở các cấp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng cả trong và ngoài nước, tạo thế trận liên hoàn, khép kín giữa nội biên và ngoại biên, giữa biên giới với nội địa và trên biển, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, cảng biển, tiếp tục xác lập các chuyên án đấu tranh triệt xoá các đường dây, tụ điểm phức tạp về ma tuý; gắn đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy với đấu tranh chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Trước mắt, thực hiện tốt Kế hoạch số 1797/KH-BTL, ngày 27/5/2020 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, xứng đáng là lực lượng xung kích, chốt chặn trên tuyến đầu, không để ma túy thẩm lậu vào nội địa.
Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới là cuộc chiến cam go, phức tạp, mà Bộ đội Biên phòng là lực lượng xung kích, nòng cốt trên tuyến đầu. Trên trận tuyến sinh tử này, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu. Sự cống hiến, hy sinh cao cả đó đã góp phần quan trọng vào ngăn chặn hiểm họa của “cái chết trắng” cùng những hệ lụy nguy hiểm của nó, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân.
Đấy công việc của các chiến sĩ, công an bộ đội đặc biệt là bộ đội biên phòng nguy hiểm đến vậy, đây đâu phải công việc mà ai cũng dám làm? Vậy mà lại có người thắc mắc vì đồng lương các chiến sĩ có phần cao hơn so với lương ở các ngành nghề khác. Vậy nhưng họ lại không nghĩ đến những giây phút nguy hiểm, mất mát thì ai sẽ chịu thay cho bản thân và chính gia đình họ. Hơn bất kì một ngành nghề nào khác, tôi thấy cần phải bày tỏ sự tôn trọng đặc biệt đối với các chiến sĩ
Công cuộc đấu tranh chống lại các tội phạm ma túy là công cuộc rất gay go quyết liệt mà các anh chiến sĩ bộ đội chính là lực lượng nóng cốt. Đặc biệt các anh chiến sĩ luôn phải đối mặt với những khó khăn có thể nguy hiểm đến cả tính mạng thế nhưng các anh luôn có gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngăn chặn các đầu mối vận chuyển ma túy vào nước ta