“Không nghe Chúa là bất nghĩa. Vì vậy, bà con, giới trẻ kéo xuống đường tuần hành”, “Tham gia biểu tình gây mất ANTT là cách xây dựng đạo chúa”, “Nếu ai không tham gia biểu tình thì không được lên thiên đàng”, “Ai mà không tham gia các hội, nhóm thì cưới xin không ai đến, chết không ai đi đưa”… . Đây là lời lẽ trong rao giảng của một số vị linh mục đang tâm bán rẻ lương tâm, danh dự, phẩm giá, đi ngược giáo lý, giáo luật khi kêu gọi, xúi giục giáo dân tham gia tụ tập đông người, gây rối TTCC hoặc có những việc làm chống đối chính quyền, đẩy giáo dân vào cảnh cùng cực.
Chiếc cầu phao nối thôn Công Hòa hoàn thành từ việc khoan sức dân
Thời gian qua, tại một số địa phương ở địa bàn tỉnh Quảng Bình, lợi dụng sự cuồng tín, một số linh mục cực đoan đã xúi giục, kích động giáo dân tham gia tuần hành, tụ tập đông người gây sức ép với chính quyền làm mất ANTT. Nhiều câu hỏi đặt ra với quần chúng giáo dân, người dân trên địa bàn là có nên tiếp tục đặt niềm tin vào lời lẽ của các vị linh mục, mang danh “đức Chúa” đã và đang đẩy giáo dân vào những việc làm bất tuân pháp luật. Nhân vật chính mà chúng tôi muốn nói ở đây là linh mục Thân Văn Chính, quản xứ Liên Hòa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn xoay quanh câu chuyện làm cầu phao với sự hung hăng, thách thức chính quyền địa phương.
Khi biết tin linh mục Thân Văn Chính chuẩn bị làm cầu phao, UBND thị xã Ba Đồn có văn bản không đồng ý việc xây dựng cầu phao vì không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu an toàn, cản trở giao thông luồng lạch và gây lãng phí tiền của của người dân. Vì đã có dự án xây dựng cầu bê tông kiên cố phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại địa bàn 2 thôn Công Hòa và Thượng Thôn (Theo kế hoạch dự kiến công trình sẽ khởi công vào quý I/2018). Thế nhưng, linh mục Chính phớt lờ công văn chỉ đạo của UBND thị xã mà đứng ra tổ chức kêu gọi, yêu cầu giáo dân phải đóng góp với mức tối thiểu là 3 triệu đồng/hộ để xây dựng cầu phao. Chính bản thân vị linh mục này phản đối việc xây cầu bê tông, quyết tâm phải xây dựng bằng được cầu phao như lời vị linh mục này tuyên bố “dù làm cầu một phút, một giây thì vẫn làm…”.
Dù biết trước việc thi công cầu phao trái phép, vi phạm các quy định của Nhà nước về xây dựng. Nhưng nói là làm, linh mục Chính chỉ đạo HĐMV giáo xứ gây sức ép với người lái đò chuyên chở bà con trong thôn Công Hòa đi lại trả lại đò cho UBND xã để người dân không có phương tiện đi lại. Hoặc tìm cách bố trí nhiều học sinh lên thuyền cho thuyền quá tải, rồi chụp ảnh tung lên mạng xã hội facebook. Các phần tử xấu có cớ để công kích, chỉ trích chính quyền thiếu quan tâm đến đời sống dân sinh vùng cồn bãi, cho thuyền quá tải lưu hành nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân. Từ đó có cớ để linh mục Chính biện luận cho việc xây dựng cầu phao dù trái phép nhưng hết sức cấp thiết.
Cảnh chen chúc khi lên đò được dàn dựng bởi LM Thân Văn Chính
Đề phòng chính quyền can thiệp, linh mục Chính đã huy động giáo dân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em luôn túc trực, sẵn sàng đương đầu với lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, trên các tàu, thuyền tham gia xây dựng cầu phao, vị linh mục này còn chỉ đạo giáo dân chuẩn bị đá, gậy gộc để chống trả nếu như có sự ngăn cản từ các cơ quan chức năng. Khi chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, làm rõ sai phạm thì vị linh mục này lại chối bỏ, phó mặc và cho rằng việc làm cầu là do bà con, HĐMV giáo xứ.
Vậy điều gì khiến giáo dân buộc phải tuân theo vị linh mục này ?. Xin thưa, vị linh mục này đã lợi dụng sự cuồng tín, cũng như những khó khăn, bức thiết về nhu cầu đi lại để ép bà con giáo dân ủng hộ việc xây dựng cầu phao. Những hộ gia đình nào không đồng thuận thì tìm cách cô lập bằng giọng điệu “Ai mà không tham gia các hội, nhóm thì cưới xin không ai đến, chết không ai đi đưa”.
Nhưng đây là ý đồ để linh mục Chính muốn “qua mặt” đi trước chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó bóp méo, tạo nên nhận thức lệch lạc trong suy nghĩ của giáo dân đối với chính quyền. Nhưng sâu xa và thâm độc hơn, linh mục Chính một mặt “ngầm” thách thức, chống đối chính quyền, mặt khác muốn thông qua việc dựng cầu phao là cơ hội để củng cố đức tin, tôn thêm uy quyền, tầm ảnh hưởng cá nhân đối với giáo dân, cô lập chính quyền với quần chúng giáo dân.
Bao đời nay, người dân thôn Công Hòa sống giữa vùng sông nước, cách trở đò giang, việc đi lại cũng như đời sống dân sinh gặp muôn vàn khó khăn. Nay chịu khó đi thuyền thêm một vài tháng nữa sẽ có cầu bê tông chắc chắn bà con cũng chịu được. Trong khi 3 triệu đồng đối với những hộ dân ở vùng thôn quê nghèo lại là số tiền quá lớn, còn nhiều việc cần đến số tiền đó. Việc khoan sức dân để phục vụ ý đồ của linh mục như vậy liệu có đắt không?. Rồi đây khi cầu bê tông hoàn thành chắc chắn nhiều người dân sẽ đi trên chiếc cầu này vì an toàn, còn chiếc cầu phao sẽ bỏ không, lại là một sự lãng phí tiền của lớn của người dân.
Điều đáng thương là những giáo dân ở vùng cồn bãi này cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, cộng thêm khoản tiền đóng góp xây dựng cầu phao nữa lại càng lâm vào cảnh cùng cực. Khi động cơ và những việc làm “mờ ám” của những vị linh mục này chưa được phơi bày thì nhiều người dân, trong đó có giáo dân nhầm tưởng đó là sự quan tâm của linh mục đối với con chiên của mình nhưng thực ra đều phục vụ ý đồ, động cơ cá nhân.
Một ngày không xa khi có cầu bê tông, liệu còn ai đi cầu phao này?.
Một khi niềm tin bị đặt nhầm chỗ và bị “bẻ ghi” vì những ý đồ điều không trong sáng, lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích cộng đồng sớm muộn gì cũng sẽ bị bại lộ. Câu chuyện về xây cầu phao qua thôn Cộng Hòa của linh mục Thân Văn Chính minh chứng rõ hơn về điều đó. Vậy nên giáo dân, những người con thân yêu của đất nước Việt Nam cần phải tỉnh táo và có cách hành xử chin chắn, không nên để các vị linh mục mãi lợi dụng lòng tin vì những mưu đồ đen tối.
PV