Dường như đã trở thành quy luật, mỗi khi cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam khởi tố, bắt giam giữ, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, âm mưu hoạt động lật đổ, chống phá chính quyền thì các tổ chức chống phá Việt Nam không hẹn mà gặp đồng loạt cất dàn đồng ca lên tiếng phản đối, kêu oan cho số đối tượng bị bắt. Ngoài ra, các tổ chức này không quên tác động với các quốc gia, định chế tài chính, các tổ chức quốc tế… tìm cách gây sức ép với Chính phủ Việt Nam đòi trả tự do cho các đối tượng. Một trong những tổ chức tích cực, nhiệt tình trong hoạt động này, đó chính là Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF).
Thông tin đăng tải trên fanpage Đài châu Á tự do (RFA)
Lần này cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi Phạm Thành – Bà Đầm Xòe, tác giả của cuốn sách “Cò hồn xã nghĩa”, “Thế thiên hành đạo – Đại nghịch bất đạo” bị bắt ngày 21/5/2020 và Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch Hội nhà báo độc lập bị bắt 2 ngày sau đó cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự, RSF lại tìm cách lên tiếng, bênh vực, tìm cách can thiệp, đòi trả tự do cho 2 người này.
Phạm Thành
Đài Á châu tự do (RFA) lược thuật, vào ngày 26/5/2020, RSF ra thông cáo báo chí lên tiếng kêu gọi trả tự do đối với ông Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy, đồng thời yêu cầu Chính phủ Việt Nam xóa bỏ mọi cáo buộc đối với 2 ông này. Trả lời phỏng vấn RFA, ông Shaw Christine, Trưởng Văn phòng đại diện cấp cao RSF tại Đông Nam Á nêu rõ “Việt Nam phải chấm dứt việc đối xử những người làm báo độc lập như những kẻ thù của Nhà nước. Hãy cho phép báo chí được hoạt động tự do, không sợ bị những cáo buộc vu khống và tù tội”. Còn ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng châu Á – Thái Bình Dương của RSF trả lời báo chí rằng: “Việc bắt giữ gần như đồng thời hai ông Phạm Chí Thành và Nguyễn Tường Thụy đưa ra một thông điệp vô cùng đáng sợ cho những người đang cố duy trì hoạt động tranh luận công khai tại Việt Nam”. RSF lại tự cho mình cái quyền bất chấp pháp luật quốc tế khi trịch thượng đưa ra yêu cầu “trả tự do ngay cho Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy”; đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cần gây áp lực Hà Nội chấm dứt cái mà họ gọi là “chiến dịch trấn áp mới”.
Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có hệ thống luật pháp riêng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc theo từng chế độ chính trị, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc. Không ai được phép can thiệp vào những công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền. Bởi vậy, việc RSF đưa ra yêu cầu “trả tự do ngay cho Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy” là hành động can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.
Về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật từ Hiến pháp đến Luật Báo chí và nhiều bộ luật khác. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tại Luật Báo chí năm 2016, có hẳn Chương II với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Nguyễn Tường Thụy trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do (RFA)
Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã đăng tải hàng trăm bài viết trên các trang mạng xã hội, in sách có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động biểu tình, gây rối ANTT… . Do đó, việc cơ quan thực thi pháp luật khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 ông để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Đây là việc nội bộ của Việt Nam, RSF không có quyền can thiệp.
Với tư cách là một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ thì thực sự RSF là tổ chức đang “bảo kê” cho hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó lại hoàn toàn trái ngược với mục tiêu và chức năng của tổ chức này.
Việc RSF thường xuyên can thiệp, kêu gọi trả tự do cho những đối tượng vi phạm pháp luật không phải là chuyện hiếm hoi. Đó vẫn chỉ là những chiêu trò “đánh lận con đen”, gian dối và vu cáo như cũ. Đây dường như là tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức này. Vì vậy, những phát biểu, lên tiếng chỉ trích hay đưa ra các yêu sách ngang ngược của RSF chỉ là những kêu lạc giọng và vô căn cứ.
Kỳ Sơn