Hé lộ một cuộc đấu tranh khốc liệt
Rami Makhlouf, một tỷ phú người Syria và cũng là một người em họ của Tổng thống Bashar Assad, đã tuyên bố trên một video được ông đăng tải trên mạng xã hội tuần này: “Ai có thể nghĩ được rằng có một ngày, các nhân viên tình báo sẽ đến các xí nghiệp của Rami Makhlouf và bắt giữ những công nhân ở đó trong khi tôi là người đóng góp lớn nhất cho cơ quan tình báo này”.
Nhận xét đầy kinh ngạc của Makhlouf đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi ở đất nước Syria và hé lộ một góc tối của cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Syria vào thời kỳ hậu chiến giữa các thế lực Nga, Iran và chế độ Assad. Makhlouf không chỉ là bà con của Assad, mà còn là người tài trợ chủ chốt cho chế độ này.
Ông này sở hữu Syriatel, mạng điện thoại di động lớn nhất của đất nước và bằng những khoản đầu tư khác nhau, nắm giữ phần lớn cổ phần trong tỷ lệ lên tới 60% nền kinh tế Syria.
Năm 1999, Makhlouf thành lập một tổ chức từ thiện có tên Al Bustan, trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, Al Bustan đã nhận được rất nhiều tài trợ từ các tổ chức quốc tế, thậm chí cả từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Song song với những hoạt động từ thiện, tổ chức này cũng đã tuyển mộ và trả lương cho các chiến binh của lực lượng dân quân Tiger Force để sát cánh cùng với quân đội Syria tham gia chiến đấu với phiến quân và Tiger Force cũng đã phạm khá nhiều tội ác chiến tranh.
Bộ máy của Makhlouf đã vận hành rất hoàn hảo cho đến khi Nga gia nhập vào “cuộc chơi” năm 2015. Vào thời điểm đó chiến lược của Nga dựa trên một nguyên tắc rõ ràng và đơn giản: ủng hộ Tổng thống Assad nắm quyền, giúp ông này tiêu diệt hoàn toàn phiến quân và củng cố chế độ để cuối cùng đi đến việc thành lập một nhà nước nằm dưới sự bảo trợ của Nga, hoặc ít nhất là dưới ảnh hưởng chi phối của Nga.
Tổng thống Putin hy vọng sẽ đạt được những mục tiêu này trong vài tuần hoặc tối đa vài tháng, nhưng thực tế hóa ra phức tạp hơn nhiều. Iran đã là một bên tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh, IS thì kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông Bắc của đất nước.
Ngoài ra có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm nhóm dân quân – cả phiến quân nổi dậy và những người trung thành với chế độ – được hưởng một chế độ bán tự trị ở các vùng khác nhau của đất nước. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn đối với Nga, khi mà số lượng lực lượng dân quân trung thành với chính phủ nhiều gấp đôi số lượng binh sĩ trong quân đội chính quy, đó là chưa tính đến lực lượng dân quân Iran.
Nước Nga đã phải tìm cách chuyển hướng và xây dựng một chiến lược mới, không chỉ bó hẹp trong việc dùng sức mạnh không quân để hỗ trợ các lực lượng của chế độ Assad. Chiến lược mới phải bảo đảm rằng các khoản “đầu tư quân sự” trên mặt đất sẽ gặt hái được kết quả trên các phương diện tài chính, ngoại giao và địa chính trị.
Tái cấu trúc quân đội
Nga đã bắt đầu cấu trúc lại các tổ chức dân quân và hợp nhất họ vào quân đội của Assad. Một ví dụ đó là lực lượng Tiger Force, được thành lập và nuôi dưỡng bởi Rami Makhlouf. Các lực lượng này bao gồm 24 đơn vị, mỗi đơn vị mang tên của chỉ huy của nó. Nga đã gây áp lực với Assad để ông này phải ra tay tiến hành hợp nhất các lực lượng này vào với quân đội chính quy, từ đó vô hiệu hóa quyền kiểm soát lực lượng dân quân này của Makhlouf.
Mùa hè năm 2019, Tổng thống Assad đã đổi tên lực lượng Tiger Force thành Sư đoàn 25 thuộc Lực lượng đặc biệt của Quân đội Syria. Các binh sĩ đã được lựa chọn cẩn thận và thực hành các đợt huấn luyện dưới sự chỉ đạo của các sĩ quan và cố vấn Nga. Bằng cách này, Nga đã tăng cường sức mạnh của các đơn vị hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Assad và quan trọng hơn, Nga đã làm thất bại toan tính của Iran muốn thông qua Makhlouf, xây dựng lực lượng Tiger Force thành một lực lượng quân sự tồn tại song song và độc lập với quân đội Syria.
Nga cũng đã buộc Assad phải thực hiện các thay đổi trong quân đội, chẳng hạn như thay thế các sĩ quan cao cấp và áp dụng các chiến thuật do Bộ Quốc phòng và quân đội Nga đã vạch ra. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một đội quân mạnh mẽ và tinh nhuệ, được Nga hướng dẫn và chỉ đạo tác chiến trực tiếp trên chiến trường.
Đầu tư chiến lược
Vào giai đoạn cuối của chiến dịch can thiệp vào Syria, nước Nga bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để có nguồn thu nhập và nắm quyền kiểm soát nền kinh tế ở đây. Năm 2018, Iran đã nhanh tay ký được những thỏa thuận cho phép họ độc quyền trong một số lĩnh vực tại Syria sau khi chiến tranh kết thúc.
Về phần mình, nước Nga cũng đã có được những thỏa thuận về nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực sản xuất dầu và xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục đích cuối cùng mà Nga nhắm đến là loại bỏ hoàn toàn Iran ra khỏi các dự án tái thiết sau chiến tranh tại Syria, chiến lược mà Iran đã áp dụng rất thành công và gặt hái được nhiều lợi ích tại những nơi khác như Iraq, Lybia, Yemen.
Những thành công tại Syria đã thổi bùng một khát vọng chiến lược của nước Nga muốn tạo ra một ảnh hưởng to lớn ở Trung Đông thay thế cho vai trò trước đây của Mỹ. Nhưng một mình nước Nga sẽ không thể có được một số vốn lớn cần thiết (ước chừng hàng trăm tỷ đô la) cho dự án tái thiết Syria, trong khi đó sự hiện diện của Iran và Hezbollah tại đây chắc chắn sẽ kéo theo những lệnh trừng phạt và tạo ra rào cản ngăn chặn dòng vốn đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu và Mỹ.
Với những lý do trên, rõ ràng là Nga muốn đẩy Iran nhanh chóng rời khỏi đấu trường này. Đó là lý do giải thích vì sao Nga không có bất cứ phản ứng gì trước 6 cuộc không kích dồn dập của Israel vào các căn cứ của Iran trên đất Syria trong hai tuần qua. Nga cũng hoàn toàn yên lặng trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett khẳng định rằng, các cuộc tấn công của nước này không chỉ để hạn chế sự bành trướng của Iran tại Syria, mà còn nhằm “tống tiễn” Iran ra khỏi Syria.
Các cuộc không kích của Israel không phải là nguyên nhân duy nhất đẩy Iran ra cuộc chơi. Nga cũng đã thẳng tay loại Iran ra khỏi những cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về một lệnh ngừng bắn tại Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria. Iran cũng không được tham gia trong các hoạt động giám sát và tuần tiễu do cảnh sát quân đội Nga hiện đang thực hiện.
Để gia tăng áp lực lên Tổng thống Assad nhằm nhanh chóng hoàn thành các bước trong kế hoạch ngoại giao đã được vạch ra, Nga đang gây sức ép yêu cầu Assad trả một phần chi phí mà Nga đã bỏ ra. Nga đã “gợi ý” cho Assad hãy yêu cầu Makhlouf nộp một khoản tiền là 3 tỷ đô la và khi ông này từ chối với lý do không thể có đủ số tiền đó, phía Nga đã cung cấp cho Assad những bằng chứng tình báo thu thập được: những bức ảnh về những chiếc xe sang trọng, ngôi nhà xa hoa lộng lẫy tại Dubai, số liệu về những nguồn thu bí mật của gia đình Makhlouf.
Đối với Tổng thống Assad, đây cũng là dịp để giải quyết “nợ nần” với một người anh em họ đã tích lũy được một gia sản kếch xù bằng cách dựa dẫm vào mối quan hệ họ hàng với gia đình tổng thống bấy lâu nay.
Và thế là Makhlouf bắt đầu vướng vào những rắc rối với Asma Assad, phu nhân tổng thống, người đứng đầu Ủy ban chống rửa tiền của Syria. Makhlouf bị truy tố về tội trốn thuế, phần lớn gia sản đã bị tịch thu, các nhân viên dưới quyền bị bắt giữ, riêng ông ta may mắn đã kịp chạy thoát ra nước ngoài để đoàn tụ với vợ con
Trận chiến ngoại giao
Ngay trước khi vụ Makhlouf nổ ra, truyền thông Nga bắt đầu đăng tải những bài viết phê phán Assad, cáo buộc ông là kẻ đứng đầu một một chế độ tham nhũng trầm trọng. Alexander Shumilin, một nhà ngoại giao kì cựu và hiện tại là giám đốc của Viện Châu Âu – Trung Đông do chính quyền Nga tài trợ, có trụ sở ở Moscow, đã viết: “Điện Kremlin phải tìm cách thoát khỏi cơn đau đầu Syria. Vấn đề chỉ tập trung ở một người – Assad – và những kẻ thân cận xung quanh anh ta”.
Sự thay đổi thái độ đột ngột này làm dấy lên những suy đoán rằng Nga bắt đầu bỏ rơi Assad để tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới, người sẽ đưa vào thực thi một dự án hiến pháp mới do Nga đề xuất và lãnh đạo một chính phủ gồm các nhà kỹ trị đại diện cho mọi phe phái và sắc tộc ở Syria.
Một chính phủ như thế, theo toan tính của Nga sẽ dễ dàng được quốc tế công nhận và sẽ đóng vai trò xúc tác để lôi kéo những khoản tiền tài trợ cần thiết cho việc tái thiết đất nước (nhưng vẫn sẽ luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Nga).
Nhưng mục tiêu này của Nga có thể sẽ không bao giờ đạt được. Hơn ai hết, Nga hiểu rằng một chính phủ liên hiệp được tạo ra từ những nhóm dân quân, các phe phái, các sắc tộc và các nhánh tôn giáo đang chống nhau như hiện nay ở Syria là một công việc khó khăn gần như là bất khả thi.
Nga hiện vẫn chưa giải quyết xong vấn đề Idlib để áp đặt quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ Syria và cũng chưa tìm ra được một gương mặt lãnh đạo nào mạnh mẽ, quyết đoán và được công nhận rộng rãi để thay thế Assad. Khả năng cao là Nga sẽ gây sức ép buộc Assad phải nhượng bộ phe đối lập, một quyết định quan trọng bảo đảm cho thắng lợi ngoại giao quyết định của Nga.