Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế – xã hội cũng như vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cơ bản ổn định, không xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an toàn tỉnh nói chung cũng như tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh đối nội nói riêng. Trong đó, đặc biệt quan trọng là công tác tranh thủ, vận động chức sắc – chức việc và đồng bào có đạo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thượng tá Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2019 vừa qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được đánh giá là ổn định, không xảy ra “điểm nóng”. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vẫn có những diễn biến phức tạp, trong đó có những vụ khiếu kiện kéo dài như: kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động khai thác cát sỏi tại các xã Vĩnh Phú, Tử Đà, Bình Bộ, Hạ Giáp (huyện Phù Ninh), kiến nghị của một số hộ dân xã Quế Lâm, Nghinh Xuyên (huyện Đoan Hùng) về việc sạt lở bờ sông Chảy; vụ việc một số hộ dân khu Lịch 2, xã Hương Cần (huyện Thanh Sơn) ngăn cản hoạt động của Công ty Thỏ Hòa Phát đóng trên địa bàn; kiến nghị của một số hộ dân khu 16 xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) về việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, kiến nghị của một số hộ dân tại xã Văn Bán (Cẩm Khê) và xã Cổ Tiết (Tam Nông) về việc xây dựng khu tập kết rác thải; kiến nghị của một số hộ dân tại khu 5 – xã Trạm Thản – Phù Ninh liên quan đến việc ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần Xử lý chất thải Phú Thọ…
Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức hoạt động tình nguyện và tặng quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. |
Có thể thấy, những vụ việc xảy ra ở trên phần nhiều liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh trên các địa bàn, từ đó nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc, khiếu kiện. Chính vì thế, cán bộ chiến sĩ, lãnh đạo Phòng An ninh đối nội – Công an tỉnh Phú Thọ đã đi sâu, đi sát từng địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc kéo dài để đưa ra hướng xử lý, giải quyết vấn đề một cách tốt nhất, thỏa đáng nhất, đảm bảo lợi ích của các bên.
Trong năm qua, đơn vị đã tham mưu giải quyết, ổn định, tạm ổn định 15 vụ việc và hiện còn 2 vụ việc phức tạp đang tập trung tìm hướng tháo gỡ. Từ công tác nắm tình hình, công tác phòng ngừa của Phòng An ninh đối nội đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Đơn vị cũng đã góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự các dịp Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ Hùng Vương.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp lễ mà đồng bào cả nước hết sức quan tâm, hướng về nguồn cội và tập trung một lượng du khách rất đông, kéo theo tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến xấu. Tuy nhiên, năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID – 19, nên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần “Lễ”, không tổ chức phần “Hội”, cho nên đây cũng là năm hiếm hoi cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh đối nội không gặp phải nhiều nỗi lo âu, trăn trở, thậm chí là căng thẳng như mọi năm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 2 tôn giáo lớn là Công giáo và Phật giáo với tổng số hơn 219.000 tín đồ. Trong đó, đồng bào theo Công giáo trên địa bàn là thuộc giáo phận Hưng Hóa với tổng số 240 ngàn giáo dân, thì riêng Phú Thọ đã có trên 128.000 tín đồ với 41 giáo xứ, 147 giáo họ, 113 nhà thờ, 26 hội đoàn, 56 linh mục, 1080 chức sắc, chức việc và có 6 xã công giáo toàn tòng; Phật giáo có gần 91.000 phật tử, 217 ngôi chùa, 147 tăng, ni. Ngoài ra còn có các tôn giáo khác là Phật giáo Nguyên thủy, Tin Lành với số tín đồ nhỏ lẻ ở một số huyện, thị như Lâm Thao, Hạ Hòa, Việt Trì.
Đồng chí Trung tá Phùng Xuân Tài – Đội trưởng Đội An ninh tôn giáo cho biết: “Thời gian qua, hoạt động Công giáo trên địa bàn cơ bản thuần túy tôn giáo, chưa phát hiện hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một số hoạt động vi phạm liên quan đến tôn giáo thì vẫn xảy ra như xây dựng công trình tôn giáo và công trình phụ trợ tôn giáo, tranh chấp đất đai, nhà văn hoá, liên quan đến hoạt động tôn giáo ở xã Tạ Xá (Cẩm Khê). Từ thực trạng tình hình tôn giáo trên địa bàn, để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực tôn giáo, từ năm 2015 đến nay Phòng An ninh đối nội rất chú trọng thực hiện công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng giáo qua việc vận động, tranh thủ hàng ngũ chức sắc, chức việc.
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần yêu nước của các chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo đồng thời với công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bài học từ thực tiễn chúng tôi đã đúc rút được là, nơi nào phong trào thi đua yêu nước được triểu khai tốt, quần chúng có đạo thông suốt về chính sách, pháp luật, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng được đảm bảo, quần chúng giáo dân nơi ấy sẽ tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hoạt động tôn giáo thuần túy, không bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá!”.
Bằng những việc làm hết sức thiết thực như hoạt động thăm hỏi, động viên mỗi dịp hiếu hỉ hay ngày lễ trọng, lễ thụ phong, tặng quà mỗi dịp lễ Tết… trong những năm qua, Phòng An ninh đối nội – Công an tỉnh Phú Thọ đã củng cố được mối quan hệ, sự gắn bó thâm tình với các chức sắc, chức việc tôn giáo có uy tín trên địa bàn, xây dựng họ thành lực lượng quan trọng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng tôn giáo. Các chức sắc, chức việc trên các địa bàn Công giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc yêu cầu, nhắc nhở giáo dân của mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật vốn rất gần gũi với đời sống như nói không với các tệ nạn xã hội như cờ bạc – ma túy; đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đã uống rượu bia thì không lái xe, không sử dụng pháo nổ trong các dịp lễ Tết…
Tất cả những việc làm ý nghĩa này đã được các chức sắc, chức việc làm rất tốt, vì sự an toàn của chính giáo dân của họ. Và ý nghĩa cao hơn là vì một vùng Công giáo bình yên, sống “tốt đời, đẹp đạo”, chung tay góp sức cùng chính quyền các cấp chăm lo đời sống cho nhân dân.
Thượng tá Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Trong các công tác trọng tâm trong năm 2019, đơn vị đã chủ động nắm tình hình liên quan đến an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc thiểu số, an ninh nông thôn và các vấn đề xã hội khác. Từ đó có các báo cáo, tham mưu để giải quyết ổn định, tạm ổn định 14 vụ việc liên quan đến tôn giáo. Thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động của 2 đối tượng ở địa phương tham gia tổ chức Việt Tân. Bên cạnh đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ đơn vị đã thực hiện việc quản lý, giám sát đối với một số đối tượng tham gia “Hội thánh của Đức chúa trời mẹ” hay các hoạt động tuyên truyền Pháp Luân Công…”.
Đơn vị cũng tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt các kế hoạch về công tác vận động, phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Chỉ thị số 06 ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2019, Phòng An ninh đối nội cũng đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, Đoan Hùng tổ chức thăm hỏi, tặng quà gần 700 lượt, trợ cấp khó khăn cho hơn 100 trường hợp là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Thượng tá Phạm Anh Tuấn hào hứng cho biết thêm: “Năm 2019, tập thể đơn vị đã đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các mặt công tác đề ra. Với những kết quả đã đạt được, năm 2019, tập thể đơn vị, cán bộ chiến sĩ đã được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều lượt bằng khen các loại. Tập thể đơn vị được Hội đồng thi đua Công an tỉnh duyệt báo cáo đề nghị tặng danh hiệu Cờ thi đua của Bộ Công an trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2019.
Nguyệt Hà