Friday, November 22, 2024

Bảo vệ mạng xã hội và quyền tự do thông tin

Từ ngày 15/4/2020, trên lĩnh vực hành chính, cơ quan chức năng Nhà nước ta đã có thêm “vắc xin” đặc trị để cảnh báo, ngăn chặn, đẩy lùi những loại “virus” nguy hiểm, đảm bảo cho mạng xã hội thực sự trong sạch, lành mạnh, bổ ích.

Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Sự ra đời của Nghị định dựa trên những căn cứ thực tiễn, pháp lý rõ ràng; những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị cảnh báo, xử phạt tương xứng.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoochat, Gmail, Zalo… phát triển rất nhanh, liên kết, lan tỏa sâu rộng, với hàng tỷ người sử dụng trên thế giới. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet và số lượng người sự dụng điện thoại thông minh hàng đầu khu vực, nên mạng xã hội, nhất là Facebook, Zalo,… là công cụ, phương tiện được người dân sử dụng hằng giờ, hằng ngày, mọi lúc, mọi nơi để trao đổi, khai thác thông tin; kết nối giao lưu, hợp tác kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lợi dụng tính ưu việt của mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân có dụng ý xấu đã tung ra những tin giả dưới dạng bài viết, video clip, ảnh,… phản cảm, phản văn hóa, tác động tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đời sống xã hội,… gây mất ổn định xã hội, v.v. Đặc biệt, một số kẻ cơ hội, phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất đội lốt “dân chủ” lợi dụng “phản biện xã hội” để xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phát triển của đất nước,… tiếp tay cho chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, thiết lập chế độ dân chủ tư sản “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta của các thế lực phản động, chống cộng cực đoan. Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều biện pháp giáo dục, xử phạt hành chính, truy tố trước pháp luật đối với không ít tổ chức, cá nhân, nhưng thứ “virus” này vẫn “mọc lên như nấm sau mưa”, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội, đất nước. Vì thế, nghiên cứu tìm ra loại “vắc xin” để tăng mức cảnh báo, tăng nặng mức phạt hành chính ngăn chặn, đẩy lùi “virus” độc hại này là vấn đề cấp thiết.

Bảo vệ mạng xã hội và quyền tự do thông tin

Căn cứ vào thực tiễn và Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005; Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006; Luật Viễn thông ngày 23/11/2009; Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23/11/2009; Luật Bưu chính ngày 17/6/2010; Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 20/6/2012; Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015 và xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 03/02/2020, Thủ tướng  Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Với 09 chương, 124 điều, Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã chỉ rõ phạm vi điều chỉnh; đối tượng, hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục; quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân một cách chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện thuân lợi cho những cá nhân, tổ chức có chức năng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, đẩy lùi “virus” nguy hiểm, đảm bảo các trang mạng xã hội hoạt động lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên không gian mạng.

Trong đó, cần chú ý, đối với tổ chức, cá nhân dùng mạng xã hội nếu có hành vi: Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, sẽ bị phạt theo Điều 101:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ các loại thông tin: (a) giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; (b) cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; (c) miêu tả tỷ mỷ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; (d) bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; (đ) các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; (e) thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; (g) hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; (h) đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Nếu, có hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, thì theo Điều 102, quy định:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật; (b) Không chấm dứt việc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết nguồn thông tin số đó là trái pháp luật; (c) Không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó; (d) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân chưa được đính chính khi có yêu cầu đính chính của chủ sở hữu thông tin đó; (đ) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân khi đã có yêu cầu hủy bỏ của chủ sở hữu thông tin đó.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; (b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số; (c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số; (d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng; (e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; (g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; (h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; (i) Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng; (k) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (l) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (m) Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (n) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (o) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào; (p) Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng; (q) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; (r) Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông; (b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; (b) Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (b) Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, v.v. Nghị định cũng chỉ rõ thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt cho các cá nhân, đơn vị chức năng các cấp được giao: Thanh tra; Ủy ban nhân dân; Công an; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Quản lý thị trường.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời là khách quan, có căn cứ thực tiễn, pháp lý rõ ràng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về an toàn thông tin mạng, đảm bảo cho mạng xã hội phát triển lành mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy hiệu quả, khẳng định, bảo vệ quyền tự do thông tin, tự do internet của mọi công dân. Thực tế ấy tự nó bác bỏ ý kiến của Tanya O’Carroll, giám đốc Amnesty Tech của Tổ chức Ân xá Quốc tế phát biểu trên RFI, ngày 15/4/2020, cho rằng Nghị định này “cung cấp một vũ khí mới cho chính quyền Việt Nam trong việc trấn áp trên mạng” và “có những điều khoản vi phạm hiển nhiên các nghĩa vụ của Việt Nam đối với quốc tế về nhân quyền”(!).

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG