Chiều 7-5, phiên xét xử giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải tiếp tục với phần tranh luận để làm rõ những nội dung trong kháng nghị giữa đại diện các thẩm phán TAND tối cao, đại diện Viện KSND tối cao và những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên xét xử – Ảnh: GIANG LONG
Bộ Công an: Điều tra Hồ Duy Hải đúng người, đúng tội
Trong phiên làm việc buổi chiều, Hội đồng thẩm phán đã công bố biên bản làm việc của đại diện Viện KSND tối cao lấy lời khai Hồ Duy Hải ngày 27-9-2011, tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Biên bản này có chữ ký xác nhận của Hồ Duy Hải.
Theo nội dung biên bản, bị cáo Hồ Duy Hải thừa nhận giết nạn nhân H. trước và giết V. sau để bịt đầu mối.
Hải khai dùng hung khí là thớt và dao để sát hại H. và dùng ghế, dao để sát hại V.. Sau khi gây án thì Hải đi rửa tay.
Theo biên bản này, Hải khai quá trình điều tra không bị ép cung, nhục hình.
Cũng trong chiều 7-5, chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi có kháng nghị của Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng thẩm phán.
Báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Không có dấu vân tay của Hải ở hiện trường
Tại phiên xử, đại diện viện kiểm sát đặt vấn đề về những mâu thuẫn liên quan đến dấu vân tay được thu tại hiện trường vụ án. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của bị cáo Hồ Duy Hải.
Điều tra viên vụ án khẳng định việc thu giữ dấu vân tay tại hiện trường đã đúng quy định và lý giải việc không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải là trùng khớp với lời khai vì sau khi gây án Hải đã đi rửa tay nên không để lại dấu vân tay.
Sau khi nghe điều tra viên giải thích, thành viên HĐXX đặt vấn đề: Có rất nhiều khu vực có thể lưu lại dấu vân tay, tại sao lại chỉ lấy vân tay tại cửa nhà vệ sinh và lavabo nơi Hải rửa tay? Thêm nữa, hiện trường của vụ án rất rộng, từ nơi Hải gây án đến nhà vệ sinh, những nơi có thể lưu lại dấu vân tay như: ly nước, chiếc ghế, hộc tủ, tủ đựng tiền… đặc biệt là hung khí tại sao lại không lấy vân tay trên đó?
Điều tra viên cho rằng bị cáo Hồ Duy Hải “đi nhiều nơi nhưng không để lại vân tay là điều… bình thường”. Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân V. và 5 dấu vân tay của ai không truy nguyên được. Bên cạnh đó cũng không tìm được dấu vân tay của nạn nhân H..
Đại diện Viện KSND tối cao đưa ra lập luận đây là án truy xét nên việc lấy dấu vân tay tại hiện trường của vụ án là rất quan trọng. Theo đại diện viện kiểm sát, việc lấy dấu vân tay đang thể hiện có nhiều thiếu sót.
Tiếp tục, thành viên HĐXX đặt câu hỏi căn cứ vào đâu điều tra viên xác định được đối tượng tình nghi trong vụ án khi không dựa vào dấu vân tay để lại hiện trường. Thành viên HĐXX dẫn chứng ban đầu điều tra viên xác định Đinh Vũ Thường là đối tượng tình nghi, sau đó chuyển thành nhân chứng vì không tìm thấy dấu vân tay của Thường tại hiện trường. Ngược lại, Hải lại trở thành hung thủ dù cũng không tìm thấy dấu vân tay của Hải ở hiện trường?
Điều tra viên cho rằng dấu vân tay chỉ là một căn cứ để xác định hung thủ, sở dĩ Thường và hai người nữa được loại khỏi danh sách tình nghi vì có tình tiết ngoại phạm.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định theo như trả lời của điều tra viên thì cơ quan điều tra có tìm dấu vân tay tại hiện trường nhưng có nhiều vị trí không thấy, có thấy dấu vân tay nhưng lại không phải của Hải.
Chủ tọa phiên xử chấp thuận đề nghị của đại diện Viện KSND tối cao, đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cung cấp bản chính các tài liệu, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến các bản vân tay thu được từ hiện trường vụ án, để HĐXX đánh giá tài liệu này, làm rõ bản chất của vụ án khi nghị án.
“Kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan”
Đại diện Viện KSND tối cao cho rằng nội dung kháng nghị đã chỉ rõ các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Giải đáp những vấn đề mà Hội đồng thẩm phán đặt ra liên quan đến vật chứng của vụ án không được thu giữ, đại diện điều tra viên thừa nhận do sơ suất trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế trong xác định rõ dấu vết, hung khí…
Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan điều tra và đại diện cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm thì những vấn đề này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Đại diện viện kiểm sát tiếp tục đưa ra dẫn chứng việc cơ quan điều tra không thu thập đầy đủ các vật chứng, việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai.
Trước ý kiến trên, một thành viên Hội đồng thẩm phán nêu câu hỏi: “Viện kiểm sát cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu… là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không?”.
Đại diện viện kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp: “Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra”.