Cư dân bản địa dường như cũng quên thân phận đặc biệt của người phụ nữ này. Bà là vợ quan Tri phủ cuối cùng của phủ Tương Dương, ông Lang Vi Năng. Dòng họ Lang Vi từng có 3 thế hệ làm Quan phủ cha truyền con nối cai quản một vùng rộng lớn gồm các huyện Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn ngày nay.
Những người lớn tuổi bản Phục quen gọi là bà phủ Năng. Dù đã bước qua tuổi bách niên, nhưng bà vẫn giao tiếp rành mạch. Bà kể quê cũ ở bản Na Khốm, xã Yên Na, huyện Tương Dương, cách quê chồng gần trăm cây số. Nếu chẳng ai hỏi đến thì bà cũng chẳng để tâm mình từng là vợ quan Tri phủ. Bởi quãng đời vàng son ấy chỉ kéo dài chưa đầy 10 năm. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, bà chỉ còn là một nông dân.
Cổng phủ Tương Dương ở xã Xá Lượng – huyện Tương Dương, Nghệ An. |
Xin được nói thêm rằng: tên gọi phủ Tương Dương có từ đời vua Minh Mạng, trước đó gọi là phủ Trà Lân. Chẳng thế mà có câu “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” của Nguyễn Trãi nói về một trong những trận đánh quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ thế kỷ XV ở đất này. Trước đó vua Trần Minh Tông từng thân chinh đến đất này đánh đuổi người Ai Lao xâm lấn bờ cõi. Hiện nay trên một vách đá ở ngọn núi Thành Nam ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông vẫn còn văn bia ghi lại sự kiện này.
Còn sách Đồng Khánh dư địa chí thì chép rằng: Phủ Tương Dương thuộc tỉnh Nghệ An, ở phía Tây tỉnh Thành. Phủ lỵ đặt ở xã Chính Yên, Tổng Yên Duyệt (là nơi giáp ranh giữa xã Bồng Khê và Yên Khê huyện Con Cuông ngày nay – PV). Phủ thành bốn mặt đều trồng tre gai, chu vi 100 trượng. Có một cửa mặt tiền cao 7 thước, rộng 3 thước. Đông Tây cách nhau 133 dặm, Nam Bắc cách nhau 190 dặm.
Đó là một trong những sử liệu ít ỏi mà tôi có được về miền đất này. Còn di tích của phủ thành ghi trong sách Đồng Khánh dư địa chí hiện đã chìm vào dòng sông Lam. Ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương hiện vẫn còn một cổng vào phủ thành Tương Dương, chính quyền thực dân cho di dời phủ lỵ về đây khi người Pháp đã chiếm trọn toàn cõi Đông Dương. Trên nền đất phủ thành bây giờ là một ngôi trường cấp hai. Chiếc cổng được xem như là chứng tích của thời phong kiến bao quanh là những rễ cây bồ đề.
Còn nhân chứng của những ngày xa ngái ấy đã như một ngọn đèn leo lét trước gió. Bà ngồi trong gian ngoài ngôi nhà sàn lắng nghe từng câu hỏi của tôi và đáp lại một cách rành rọt. Nghe đâu, chỉ cách đây mấy năm thôi, bà vẫn giữ thói quen từ ngày về là vợ phủ Năng, dậy sớm quét nhà, nấu nước chè và cầu nguyện. Bà là một trong rất ít tín đồ Công giáo người Thái ở miền núi Nghệ An.
Bà nhớ lại chuyện xưa ngày gặp quan ở dinh Tri phủ. Khi ấy có nhà vua (Bảo Đại) đến thăm, trong dinh tổ chức hội đón tiếp gọi là “đấu xảo”. Ngày ấy, Quan phủ đã ngoài 40 tuổi. Người vợ trước của ông đã mất. Gọi là “đấu xảo” nhưng chỉ như một lễ hội của người bản địa. Người ta mổ trâu, chia thịt, uống rượu cần. Quan Tây, quan triều đình thì ăn uống trong dinh. Cư dân bản địa có cuộc vui riêng ở phía ngoài, cạnh bờ sông. Người lớn tuổi hát giao duyên, trai gái thì thi tung còn, múa sạp.
Ngày ấy, có một nhóm các cô gái người bản địa được tuyển lựa để phục vụ múa hát khi dinh Quan phủ có việc trọng đại và bà Quyết là một trong những người có nhan sắc nổi bật nhất lần ấy cũng được mời vào ném còn. Nghe đâu có một nhà nho biết xem tướng đã mách nước với Quan phủ rằng nom tướng mạo thì bà sẽ sinh hạ nhiều con trai. Lúc này, Quan phủ cũng tham gia tung còn. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào hay đã chủ tâm từ trước mà Quan phủ bắt trúng trái còn của bà. Thế là có cớ làm quen.
Bà Lữ Thị Quyết vẫn minh mẫn dù đã ở tuổi ngoài bách niên. |
Không lâu sau hội “đấu xảo”, Quan phủ cưỡi ngựa vào bản Na Khốm hỏi vợ. Đi cùng còn có 2 người nữa cũng mặc quan phục. Sau này bà mới biết là hai vị Thừa phái và Đề lại. Đám cưới to chưa từng thấy. Bà chẳng nhớ được tiền thách cưới là bao nhiêu. Chỉ biết rằng sau đó cha mẹ bà cũng trở nên khấm khá hơn trước kia. Trong đám cưới, chủ rể bỏ quan phục, đội mũ, choàng khăn như bao thường dân khác khi lấy vợ. Gặp họ hàng nhà vợ, Quan phủ cũng cúi chào. Cả bản rồng rắn kéo nhau ra đi theo đám rước mà cô dâu chủ rể cũng đoàn đón dâu đều ngồi ngựa.
Bà vẫn nhớ rõ dinh Quan phủ ngày ấy có hướng ngoảnh ra bờ sông. Trước phủ có bốt canh của lính ta. Phía bờ bên kia nơi có đường quan chạy qua (nay là quốc lộ 7) là một bốt lính Tây. Trong phủ có “nhà chè” gồm 3 phòng. Phòng Quan phủ ở giữa. Cạnh bàn có một chiếc chuông. Mỗi khi nghe gõ chuông là viên Đề lại ở phòng kế bên liền chạy đến đợi lệnh. Một phòng khác của viên thừa phái. Sau “nhà chè” là nhà học của các con quan phủ và cũng là nơi ở cho cả gia đình. Ngoài chữ quốc ngữ, chữ Nho, các con của quan phủ còn được học tiếng Pháp.
“Về làm vợ quan cũng như bao nhiêu nhà khác thôi, cũng chẳng phải sướng sung gì – Bà Quyết tiếp tục câu chuyện – Dù là Quan phủ nhưng ông Lang Vi Năng vẫn giữ gia phong truyền thống của người Thái. Mỗi sáng, bà Tri phủ phu nhân vẫn phải dậy sớm thổi xôi cùng 2 người hầu gái. Bà vẫn phải lo quản lý các gia nô. Về làm vợ quan khi mới 20 tuổi, chưa phải là đã chững chạc, mọi việc đều phải học hỏi từ đầu.
Một vài tài liệu của địa phương cũng ghi lại sự kiện vua Bảo Đại đến bản Cửa Rào (nơi đặt phủ lỵ) vào năm 1938. Đó cũng là năm bà Quyết kết duyên với tri phủ Lang Vi Năng. Theo bà cụ nhớ lại thì sau cướp chính quyền, gia đình ông Lang Vi Năng có ở lại phủ thành đến năm 1947 mới dời về xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Năm 1950 thì về quê cũ của ông Năng ở bản Phục sinh sống cho đến ngày nay.
Về nguyên do dòng họ Lang được lựa chọn làm Tri phủ có một hoàn cảnh lịch sử riêng. Đến cuối thế kỷ 19, chính quyền bảo hộ Pháp sử dụng những người có thế lực ở địa bàn miền núi giữ chức Tri phủ. Lúc đó dòng họ Lang Vi ở miền tây Nam Nghệ An nổi lên là một trong những thế lực hùng mạnh. Theo ông Lang Vi Nguyệt người con trai thứ 7 của tri phủ Lang Vi Năng, thì dòng họ của ông có gốc gác từ huyện Quỳ Hợp sau đó chạy loạn về đây.
Đến thế hệ thứ 3 có ông Lang Vi Bằng (Trong văn bản của triều đình Huế gọi là Lang Văn Bằng) từng cầm quân đi dẹp “giặc Phò Khăm” nên được triều đình phong làm Tri phủ. Chính quyền thực dân phong cho ông chức quan sáu. Sau khi Lang Vi Bằng nghỉ hưu ông truyền chức vụ lại cho người anh họ là Lang Vi Tài. Về sau người Pháp bổ nhiệm ông Lang Vi Năng (con trai Lang Vi Bằng) thay ông Tài. Ông Năng giữ chức Tri phủ phủ Tương Dương đến khi ta cướp chính quyền (1945).
Ngày nay, những hậu duệ của dòng họ Lang Vi ở Bản Phục, xã Đôn Phục vẫn còn lưu giữ được khá nhiều chế thư của triều đình Huế các đời vua Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại ban khen tặng, phong chức tước cho Tri phủ Tương Dương là Lang Văn Bằng (trong họ gọi ông là Lang Vi Bằng) và những người đã sinh thành ông. Trong đó đáng chú ý có đạo các chế thư năm Thành Thái thứ 19 (1907) ban tặng cho Lang Văn Bằng Tri phủ phủ Tương Dương chức “Thừa vụ lang, Đồng tri phủ, lãnh Cai phủ thổ Tri phủ”.
Đạo chế năm Khải Định thứ 5 (1920) phong tặng ông Lang Văn Bằng chức “Triều liệt đai phu, Quang lộc tự thiếu khanh” và vẫn giữ chức tri phủ phủ Tương Dương. Đạo chế năm Bảo Đại thứ 15 (1941) ban cho Lang Vi Năng thổ tri phủ phủ Tương Dương được thăng chức “Phụng Thành đại phu, hàn lâm viện thị giang, hạng nhì”. Cũng trong năm 1941, Lang Vi Năng còn được quốc vương Luông Phabang ra chiếu chỉ công nhận công trạng của ông trong việc phân định biên giới giữa hai nước.
Ông Lang Vi Năng mất năm 1975, thọ 85 tuổi. Còn bà Lữ Thị Quyết hiện là một trong những nhân chứng ít ỏi về một giai đoạn lích sử độc đáo của cộng đồng người Thái xứ Nghệ.
VI VĂN CHÔỒNG