Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có quốc kỳ của riêng mình. Quốc kỳ đã trở thành biểu tượng mang tính đặc trưng của mỗi quốc gia. Việc ra đời thường của quốc kỳ thường gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại, thông thường đó là sự hình thành quốc gia, dân tộc. Chính vì thế, quốc kỳ của mỗi nước đều được thiết kế một cách rất riêng biệt với những quy định chặt chẽ về quy cách. Những hình ảnh được thể hiện trên quốc kỳ các nước đều mang đậm bản sắc văn hóa của từng quốc gia. Đó chính là biểu tượng thiêng liêng, cao quý, thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Quốc kỳ Việt Nam được quy định rõ tại Điều 13, Hiến pháp năm 2013 “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Quốc kỳ của Việt Nam có nền màu đỏ, tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, là máu và nước mắt của biết bao thế hệ người dân đã đổ xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Màu vàng ngôi sao ở chính giữa là biểu tượng của linh hồn dân tộc. Năm cánh sao vàng đại diện cho các tầng lớp nhân dân cùng nhau đoàn kết chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã trở thành biểu trưng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khắc sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Việc treo cờ Tổ quốc vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu với quê hương, đất nước vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân. Do vậy, trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày tết cổ truyền của dân tộc, khắp nơi đều treo cờ Tổ quốc. Thông qua đó giúp cho mỗi người dân Việt Nam có dịp ôn lại truyền thống, tưởng nhớ đến công lao các anh hùng, liệt sỹ và lớp lớp người dân đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Từ đó nhắc nhủ thế hệ hôm nay tự hào với truyền thống của các thế hệ cha ông đi trước, càng ra sức đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tại Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, hiện nay, việc treo cờ Tổ quốc của Nhân dân hầu như đã trở thành nề nếp mỗi dịp lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cứ mỗi dịp như vậy, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, trong lòng mỗi người ai ai cũng cảm thấy bồi hồi, rạo rực, xúc động và tự hào về truyền thống hào hùng, quật cường của dân tộc.
Nhân dịp cả nước hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng miền Nam thống nhất đất nước và Quốc tế lao động 1/5, ngày 20/4/2020, UBND tỉnh Quảng Bình có Thông báo số 649/TB-VPUBND về việc treo Quốc kỳ, tuyên truyền Ngày chiến thắng (30/4) và Ngày quốc tế lao động (1/5) năm 2020. Đặc biệt năm 2020, là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Do đó, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình, trong đó có cả các cơ sở tôn giáo, tín đồ treo cờ Tổ quốc. Đây việc làm để nhắc nhở mọi người ôn lại truyền thống hào hùng của 45 năm về trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, non sông thu về một mối. Trong khi các cơ quan, tổ chức, cơ sở Phật giáo, một số giáo xứ trên địa bàn tỉnh như Trừng Hải (Quảng Phú, Quảng Trạch), “chuẩn giáo xứ Thanh Hà” (Quảng Minh, TX. Ba Đồn), một số giáo họ ở xã Liên Trường (xã Liên Trường, Quảng Trạch) đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh thì một số linh mục lại lấy cớ để xách mé, xuyên tạc, nói xấu chính quyền.
Cờ Tổ quốc tung bay ở giáo xứ Tân Hội (Đồng Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình)
Linh mục Nguyễn Minh Sáng, quản xứ Phù Kinh viết trên trang facebook cá nhân “Minh Sáng” rằng “Xin cám ơn chính quyền các cấp có ý tưởng tốt… nhưng theo tôi, các ông nên để thời gian đến các giáo xứ vận động mà lo cho dân giàu, nước mạnh thì các ông mới có hiếu, có trung với Tổ quốc”. Còn linh mục Tô Quang Hùng, quản xứ Kinh Nhuận lại viết trên trang facebook cá nhân “Ant To Quang Hung” rằng “Tôi lại thấy điều trái ngược, nơi những đất nước nghèo, kém văn minh, những người lãnh đạo ẩu trĩ dùng cờ Tổ quốc như một vũ khí để khuếch đại thế lực của mình. Họ chi trả hàng ngàn tỷ đồng để căng cờ, băng rôn, khẩu hiệu khi có lễ hội; họ thượng cờ nơi những chỗ bất kính, thấp hèn, thậm chí những nơi cạnh chuồng của trâu bò, nơi hôi thối, đường ra nghĩa địa, cột cao thế… nơi nào cắm được cờ nhiều cờ, nơi đó có thành tích nơi đó đạt chỉ tiêu”.
Rõ ràng đây là những suy nghĩ mang tính chủ quan, phiến diện, nếu không nói là sự xuyên tạc trắng trợn của linh mục Nguyễn Minh Sáng và Tô Quang Hùng. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước kiên trì đường lối đổi mới kinh tế, mở cửa hội nhập quốc tế thì làm sao đất nước ta có được thành quả, cơ đồ như ngày hôm nay.
Phần lớn người dân luôn nêu cao ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, bởi vậy việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ trọng trở thành việc làm việc làm tự giác. Đó cách thể hiện đạo hiếu, tình cảm của con dân Việt Nam với quê hương, đất nước. Còn những hộ gia đình chưa treo thường xuyên treo cờ Tổ quốc thì lần này được các cấp, chính quyền và các đoàn thể chính trị tuyên truyền, vận động. Đó chính là việc làm bình thường để nhắc nhở mọi người dân cần phải biết nâng niu, quý trọng và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, cùng hướng về một mục tiêu chung, chứ không có gì là “khuếch đại thế lực” gì cả ?. Khi treo cờ Tổ quốc, mọi người dân đều ý thức được việc làm của mình. Vị trí treo cờ Tổ quốc bao giờ cũng được lựa chọn ở những chỗ trang trọng, thiêng liêng, cao quý, không phải ở những chỗ ô uế, xú tạp như lời lẽ xuyên tạc của linh mục Tô Quang Hùng. Rõ ràng đây là sự suy đoán mang tính võ đoán, cực đoan và lệch lạc của vị linh mục này. Và chỉ những người có đầu óc tăm tối, mang trong mình sự hậm hực, hận thù với lịch sử, với truyền thống cách mạng mới có những lời lẽ hạ thấp vị thế của lá cờ Tổ quốc như vậy.
Trong đường hướng hoạt động của mình, các tôn giáo đều có chủ trương gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đối với Phật giáo đó là phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Còn với Công giáo, trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước sau Đại hội Giám mục toàn quốc năm 1980 khẳng định “Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơi gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần dân Chúa”. Còn trong Sứ điệp gửi giới trẻ Công giáo Việt Nam ngày 20/11/2019, Giáo hoàng Phan xi cô cũng kêu gọi “Các con hãy yêu nhà của các con!. Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà Tổ quốc. Các con hãy yêu dân tộc Việt Nam, yêu đất nước của các con!. Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ quốc”.
Nếu không có tình yêu đích thực với Tổ quốc, với đất nước thì sẽ không có hành động chính nghĩa với quê hương mình đang sinh sống. Với những người tu hành trước khi thể hiện tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào đức tin của mình thì cũng phải có tình yêu với quê hương, đất nước. Có như vậy đạo và đời mới thực sự hòa quyện với nhau. Con đường tu hành mới thực sự khoáng đạt và sớm trở thành chính quả. Còn những hành động, lời nói như của linh mục Nguyễn Minh Sáng hay Tô Quang Hùng thì chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, tự hạ thấp vị thế của chính mình mà thôi.
Nhật Khánh