Chủ tịch Hà Nội cho biết Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã cho gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội sáng nay, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các đơn vị từ xã, phường đến quận, huyện phải rà soát lại trang thiết bị đã mua trong thời gian qua, đã dùng hết bao nhiêu, còn bao nhiêu. Đến chiều chủ nhật này, các đơn vị phải báo cáo về Ban chỉ đạo.
Ông Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế rà soát lại toàn bộ quá trình mua giai đoạn 1 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội và các BV.
“Kiểm tra, rà soát dùng những cái gì, còn cái gì, phải kiểm kê, thống kê, đưa vào kho quản lý, sau này khi nào cần thì dùng”, ông yêu cầu
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu sáng nay
“Các BV và các trung tâm y tế tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị này phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thông thường. Những thiết bị này chỉ phục vụ cho dịch bệnh”, ông Chung nhấn mạnh.
Ông yêu cầu Sở Y tế phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban thường vụ Thành uỷ là mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện cũng như BV, mà phải mua sắm cho vào trong kho, sau này có thủ kho quản lý và xuất kho cho công tác phòng chống dịch.
Theo Chủ tịch Hà Nội, Ban chỉ đạo rất sát sao đôn đốc để đảm bảo chất lượng, số lượng các trang thiết bị y tế. Hà Nội cũng chỉ đạo Công an TP và Sở Công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.
Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu vi phạm và không loại trừ có những sai sót của các đơn vị mua sắm của CDC Hà Nội và các đơn vị.
“Hiện nay C03 của Bộ Công an đã gọi một số cán bộ của CDC Hà Nội trong việc mua sắm máy xét nghiệm, một số tỉnh thành khác cũng liên quan.
Quan điểm của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.
Đối với dịch bệnh này mà lại có hành vi như vậy thì phải là tình tiết tăng nặng”, ông Chung nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 15/4, Chủ tịch Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện được phân bổ ngân sách thì chủ động rà soát lại toàn bộ kết quả việc mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, không để tiêu cực xảy ra.
“Nếu chúng ta để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân, mà còn có tội.
Người dân, DN, bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn góp 1 ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này, chúng ta được giao nhiện vụ này mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn TP, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế”, ông Chung nhấn mạnh.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Ban chỉ đạo của TP mới đây cũng cảnh báo, tiêu cực xà xẻo trong phòng chống dịch Covid-19 là có tội, phải xử lý nghiêm.
“Đồng bào, doanh nghiệp đang khó khăn mà lại sách nhiễu, gây khó khăn, cán bộ tiêu cực nữa. Phải tăng cường công tác kiểm tra. Tôi tin không có đồng chí nào nghĩ như thế đâu, nhưng cũng phải cảnh báo, cảnh tỉnh, cũng phải thanh tra kiểm tra. Nếu có vi phạm thì phải phát hiện kịp thời xử lý nghiêm theo tình tiết tăng nặng…”, ông Huệ nói.
Hà Nội 2 ngày liên tiếp không có ca mắc mới
Giám đốc Sở Y tế Trần Khắc Hiền báo cáo Hà Nội có tổng số 112 ca mắc (62 trường hợp đã khỏi ra viện, 60 đang điều trị). Trong số này có 74 ca được phát hiện tại cộng đồng, ngày 15-16/4 không ghi nhận ca mắc mới.
Tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 của Hà Nội đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2.
Tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh vẫn diễn biến rất phức tạp với 13 trường hợp mắc, nhiều trường hợp có liên quan (trong đó có cả nhân viên y tế) nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
Hà Nội đã rà soát được 783 người đến mua bán tại chợ hoa xã Mê Linh.
Hương Quỳnh-Trần Thường (Vietnamnet)