Friday, November 22, 2024

SỰ CHỦ ĐỘNG, NIỀM TIN VÀ NĂNG LƯỢNG CỦA VIỆT NAM TRONG CHỐNG COVID-19

Bắt đầu từ ngày 07/3, Việt Nam từ chỗ không còn bệnh nhân COVID-19, với 16 người nhiễm hoàn toàn khỏi bệnh thì đến ngày 16/3 , số bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 ở Việt Nam đã tăng thêm 41 bệnh nhân, trong đó có nhiều người là người nước ngoài. Tổng số người nhiễm COVID-19 đến 14h00 hôm nay là 57 người (16 người đã được chữa khỏi và xuất viện).
Nhìn ra quốc tế, đại dịch đang lan nhanh ở các nước Italia, Iran, Tây Ban Nha và Mỹ. Các quốc gia này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và phong tỏa toàn bộ đất nước để ngăn COVID-19, số người nhiễm bệnh và số người chết tăng lên nhanh chóng ở Ý. Như vậy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới với nhiều thử thách mới. Cả hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam đã vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời, sự nỗ lực với quyết tâm càng khó khăn càng cố gắng hơn nữa đã mang lại kết quả tốt, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao, tăng thêm niềm tin trong nhân dân. Các thông tin về dịch bệnh được đưa lên liên tục trên các trang báo chính thống, kịp thời đã góp phần ngăn chặn các thông tin giả, độc, những lời đồn đoán gây hoang mang trong dân chúng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công văn chỉ đạo, trước hết, cần rà soát, nâng tầm kịch bản phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, dự liệu các tình huống và tập trung, khẩn trương chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát.

SỰ CHỦ ĐỘNG, NIỀM TIN VÀ NĂNG LƯỢNG CỦA VIỆT NAM TRONG CHỐNG COVID-19


Giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài: Hạn chế người nhập cảnh từ các nước có dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay từ các vùng có dịch đến Việt Nam để giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; thực hiện chặt chẽ thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế; nêu khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam. Hạn chế các chuyến bay Việt Nam, đặc biệt của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam bay đến các vùng có dịch.

Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng: Từ ngày 16/3/2020, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…)

Hướng dẫn phòng chống dịch đến từng người dân:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch, hướng dẫn đầy đủ về các trường hợp cách ly, giám sát y tế, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch, bảo đảm đúng mức, kịp thời, minh bạch để người dân tin tưởng, không hoang mang; kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục.

Học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.

Tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu: Việc tạm dừng này có hiệu lực 30 ngày kể từ 12h00 ngày 15/3/2020 và không áp dụng với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ. Về quản lý biên giới trên bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an và các cơ quan liên quan kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua đường mòn, lối mở và các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới trên bộ bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch; thực hiện kiểm dịch, khai báo y tế chặt chẽ, ngăn ngừa hiệu quả việc người từ vùng có dịch vào Việt Nam.
Trong cơn khó khăn, bĩ cực, bên cạnh những phản ứng tiêu cực của dư luận về những người thiếu ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng, thì sự nỗ lực của những người có trách nhiệm với xã hội lại lan tỏa luồng năng lượng tích cực, cho chúng ta niềm tin vào những điều thần kỳ, những câu chuyện tốt đẹp, những tấm lòng cao thượng.
Đó là chuyện của ca sỹ Hà Anh Tuấn và bạn bè tặng 3 phòng điều trị áp lực âm cho 3 bệnh viện ở 3 miền đất nước, trị giá 2 tỷ đồng; đó là ca sỹ Tùng Dương và ca sỹ Phạm Thùy Dung tặng 2.000 bộ quần áo bảo hộ chống dịch. Rồi lần lượt ca sỹ Chipu góp 1 tỷ đồng, ca sỹ Hồ Ngọc Hà tặng 3 tỷ đồng cho cuộc chiến COVID-19. Và mới đây, trong khó khăn chung của du lịch, bất động sản mùa dịch, ông Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup đã tài trợ 20 tỷ đồng nghiên cứu chống virus gây dịch COVID-19… Tiếp đó, đã có nhiều doanh
nghiệp, cá nhân đồng lòng ủng hộ sản xuất bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2….Những nhân vật, những tấm lòng vì cộng đồng trong dịch đã cho thấy niềm tin về những giá trị đẹp đẽ của con người, niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, trách nhiệm và ý thức công dân của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng đúng lúc.

Cuối cùng, không có chuyện “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có nhiều ý kiến lo ngại khi xảy ra trường hợp số người mắc tăng nhanh và dịch lây lan rộng thì liệu chúng ta có bị “vỡ trận” giống như tình trạng xảy ra tại các nước Hàn Quốc, Italy, Iran… hay không? PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định, không có chuyện chúng ta “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch bệnh và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh dịch. Điều quan trọng lúc này chính là người dân cần bình tĩnh, sát cánh cùng Chính phủ, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh công tác kiểm soát bệnh dịch tại cộng đồng mà chúng ta đang làm rất tốt, thì trong công tác khám chữa bệnh, hiện Việt Nam đã lên phương án và chuẩn bị hậu cần, nhân lực và các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị cho 10.000 người bệnh mắc Covid-19. Chúng ta có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 200 bệnh viện ngoài công lập và 11.000 Trung tâm Y tế. Cùng với đó, chúng ta đã có phân tuyến điều trị rõ ràng, với hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng đáp ứng bệnh nhân truyền nhiễm. Ngoài ra chúng ta còn có hệ thống quân y hỗ trợ.
Như vậy, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng niềm tin và năng lượng tích cực sẽ giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19. Chúng ta hãy cùng tin tưởng và quyết tâm..

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG