Tối ngày 29/2/2019, linh mục Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường, Quảng Sơn, TX Ba Đồn, Quảng Bình tổ chức buổi hiệp thông cầu nguyện phản đối việc triển khai dự án thuỷ lợi Rào Nan. Buổi hiệp thông được phát livestream trên mạng xã hội facebook và được một số trang fanpage như Truyền thông gx Diên Trường, Truyền thông Cồn Sẻ… chia sẻ lại. Điều đáng suy ngẫm, là chủ tế của các buổi hiệp thông cầu nguyện thường là linh mục quản xứ thì nay lại giao cho một nữ giáo dân đang tuổi học trò. Bài cầu nguyện có đoạn “…Chúng con xin dâng giờ chầu này để cầu cho sự bình yên của dự án đập Rào Nan và cho nhà cầm quyền biết đặt lợi ích của dân lên trên hết. Cầu cho anh chị em đang phải ngồi tù cộng sản bởi lên tiếng cho môi trường, cho nhân quyền đàn bị cộng sản đàn áp, đánh đập. Cầu cho công lý được thực thi, sự thật được tôn trọng…”.
Buổi hiệp thông cầu nguyện tối ngày 29/12/2019
Lứa tuổi của các em đang cắp sách đến trường, “ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời” đủ điều kiện và khả năng đâu để viết được bài cầu nguyện đầy thống thiết và ẩn chứa nhiều dụng ý đến như vậy nếu không có sự chấp bút và “đạo diễn” của linh mục quản xứ. Dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao buổi lễ trọng như vậy mà linh mục quản xứ lại giao cho con chiên mặt còn búng ra sữa làm chủ tế?. Đang trong mùa Noel, mọi giáo dân đang sống trong ánh sáng, tình yêu thương của Chúa mong muốn được sống trong an lành, nói những điều hay lẽ phải và làm những điều tốt đẹp. Thế nhưng, bất chấp cả lời dạy và ý nguyện của Chúa, linh mục Nguyễn Văn Hảo không từ bỏ ý đồ chống đối dự án của mình. Phải chăng linh mục Nguyễn Văn Hảo đã “hết bài”, muốn tránh tiếng cho bản thân, cho giáo hội nên trong những ngày linh thiêng này không dám xuất đầu lộ diện buộc phải mượn lời nữ giáo dân để công kích, chống đối chính quyền?.
Bài cầu nguyện nghe ra rất nực cười, bởi mục tiêu và ý nghĩa nhân văn dự án Rào Nan mang lại lợi ích to lớn và rõ ràng. Đó là cung cấp nguồn nước tưới, nước sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho người dân 22 xã của TX Ba Đồn, Quảng Trạch, trong đó có người dân Quảng Sơn. Công trình này là lời giải cho bài toán thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, nước tưới mỗi khi mùa hè đến của khu vực này. Nếu không quan tâm, chăm lo đến đời sống của người dân, trong đó có người dân theo đạo Thiên Chúa ở các xã vùng nam TX Ba Đồn thì việc gì Chính phủ ưu ái, quan tâm dành cho Quảng Bình khoản ngân sách 350 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu để đầu tư cho công trình. Thế nhưng, trong rao giảng linh mục Nguyễn Văn Hảo lại thường xuyên xuyên tạc đây là công trình thủy điện, đập cao trên 15m, khi tích nước sẽ là “quả bom nguyên tử nước”, chính quyền và chủ đầu tư bắt tay nhau sẽ “rút ruột công trình để chia chác với nhau”… nhằm kích động giáo dân, những người dân chưa nắm rõ thông tin phản đối dự án, làm cho việc triển khai thi công bị chậm tiến độ.
Buổi hiệp thông cầu nguyện ngày 17/11/2019
Những lời cầu nguyện đó là vô ích. Bởi cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư luôn quan tâm và đưa vấn đề an toàn của công trình lên hàng đầu. Qua khảo sát của các nhà địa chất, trên địa bàn TX Ba Đồn không có khu vực nào có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để xây dựng hồ chứa nước phục vụ việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt ngoài công trình thủy lợi Rào Nan. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến theo chiều hướng cực đoan, cộng với ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu thì nguy cơ thiếu nước đối với TX Ba Đồn luôn thường trực và ngày càng bị đe đọa nghiêm trọng mà mùa hè năm 2019 là một thí dụ điển hình. Nếu không xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan thì TX Ba Đồn còn rơi vào cảnh thiếu nước dài ngày. Do đó với sự tham vấn của các nhà khoa học hàng đầu về thủy lợi của Viện khoa học thủy lợi (Bộ NN&PTNT), sự phản biện của các nhà khoa học có uy tín, đây chính là những cơ sở khoa học quan trọng để tỉnh Quảng Bình quyết định lựa chọn vị trí đặt đập dâng, công nghệ thi công và cơ chế vận hành công trình.
Cần phải hiểu thêm rằng trước khi thiết kế công trình, các cơ quan chức năng đã khảo sát kỹ lưỡng địa chất xung quanh khu vực xây dựng, tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng điều kiện khí hậu thủy văn để lựa chọn cách thức thiết kế, phương pháp thi công và vận hành phù hợp. Trên cơ sở quy trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt chặt chẽ với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành thủy lợi và những khẳng định về mức độ an toàn công trình của các cơ quan cao nhất trong lĩnh vực thủy lợi là cơ sở khoa học để cam kết về sự an toàn tuyệt đối của công trình.
Nếu không có nguồn nước của công trình dự án thủy lợi Rào Nan thì người dân vùng nam TX Ba Đồn còn phải đối mặt với vấn nạn thiếu nước tưới, nước sinh hoạt. Lúc đó, bà con còn phải sống một cuộc sống khó khăn, cực khổ, khó mà đổi đời và phát triển lên được. Bởi vậy, đề nghị bà con, nhất là bà con giáo dân cần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương pháp thi công, vận hành công trình để đồng lòng, ủng hộ dự án triển khai đúng tiến độ.
Kỳ Sơn