Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 40, sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8
Trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; giám sát 01 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế, kịp thời điều chỉnh những vấn đề lớn, mới phát sinh trong thực tiễn đời sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự chủ động, thận trọng, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong công tác phối hợp chuẩn bị, tiến hành kỳ họp của cả hệ thống chính trị, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Công tác lập pháp được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Các dự án luật, bộ luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua được chuẩn bị tốt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp thực tiễn, tiếp tục góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, củng cố quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, ý kiến của cử tri và Nhân dân, cùng với kết quả hoạt động của mình, các vị đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm, xây dựng đã phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019. Qua quá trình thảo luận của các đại biểu, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành; tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đưa năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo nghị quyết của Quốc hội, trong đó đặc biệt là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực, toàn diện. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp để Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành, chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao cả về nhóm vấn đề được lựa chọn cũng như chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, cầu thị, không né tránh những vấn đề khó, bức xúc, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội ghi nhận và đề nghị các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành sớm có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện những cam kết trong thực tế nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức Kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “Mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí.
Đối với việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung sau: Công tác lập pháp 11 ngày để xem xét, thông qua 10 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết: 5,75 ngày. Cho ý kiến 7 dự án luật: 5,25 ngày. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tại Tờ trình số 1750 /TTr -TLĐ ngày 20/11/2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là phiên họp tháng 4/2020 để có căn cứ cho việc xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này.
Các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác 9,5 ngày. Xem xét các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước (tổ: 0,5 ngày; hội trường: 1,5 ngày). Thực hiện giám sát chuyên đề (hội trường: 01 ngày). Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 0,5 ngày). Xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (tổ: 0,25 ngày; hội trường: 0,5 ngày). Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (hội trường: 2,5 ngày). Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có). Dự kiến Quốc hội làm việc 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2020 và bế mạc vào ngày 17-6-2020.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự kiến nội dung, thời gian của kỳ họp và thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm để chủ động chuẩn bị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao đối với báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8 và dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ cơ bản tán thành với báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8 và dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đối với việc thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội cần được nghiên cứu có những đổi mới, bố trí thời gian cho phù hợp để các ý kiến được mới mẻ, phong phú, không trùng lắp.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Kỳ họp thứ 8 vừa qua đã có nhiều kết quả đạt được trong việc điều hành, chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan. Nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng và đúng quy định. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu tiếp tục có cải tiến, đổi mới. Phần mềm ứng dụng tại kỳ họp tiếp tục được nâng cấp, phát huy hiệu quả, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Kỳ họp thứ 8 vừa qua với khối lượng công việc rất lớn nhưng đã khẳng định và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; thực hiện đúng quy chế làm việc, phối hợp rất tốt với Chính phủ. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm một số tồn tại ,hạn chế tại kỳ họp vừa qua để có những đổi mới, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tập trung cho công tác lập pháp trong Kỳ họp thứ 9 tới đây./.