Sau 5 năm theo đuổi pháp lý, vì sao vụ kiện của nhà thầu Trung Quốc với VSH lại bất thành?
Vào tháng 11/2019, TAND TP Hà Nội đã quyết định hủy phán quyết trọng tài buộc CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) phải bồi thường số tiền 2.162 tỷ đồng cho nhà thầu Trung Quốc.
Trước đó, năm 2010, VSH và nhà thầu Trung Quốc gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc ký hợp đồng trị giá hơn 1.936 tỷ đồng xây dựng hạng mục tuyến năng lượng của dự án thủy điện Thượng Kotum.
Nhà thầu Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm trị giá 10 triệu USD.
Năm 2014, nhà thầu Trung Quốc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mới hoàn thành khoảng 25% khối lượng công việc. Hai bên không thống nhất được phương án giải quyết hợp đồng nên nhà thầu khởi kiện ra VIAC, đòi VSH thanh toán chi phí thực tế thi công, tiền phạt hợp đồng và các chi phí khác số tiền 2.302 tỷ đồng.
Khi thụ lý, năm 2016, Hội đồng trọng tài 24/12 đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc VSH trong vòng 14 ngày phải nộp số tiền 211,5 tỷ đồng vào tài khoản mở theo tên của VSH và nhà thầu tại Vietcombank.
VSH phản ứng lại quyết định này và khởi kiện Hội đồng trọng tài cùng hai trọng tài viên. Cho rằng vụ kiện trọng tài viên gây nguy hiểm cho an toàn của các trọng tài viên nước ngoài nên ngày 31/8/2016, Hội đồng trọng tài đã ra quyết định chuyển địa điểm giải quyết vụ việc sang Singapore.
Tuy nhiên, ngày 28/5/2018, Hội đồng trọng tài tiếp tục có quyết định “phiên họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-10/10/2018 tại Osaka, Nhật Bản”. Đi cùng với đó là điều kiện “VSH muốn phiên họp diễn ra tại Hà Nội thì phải rút đơn vụ kiện trọng tài viên”.
Khi đó, VSH có nhiều văn bản phản đối song Hội đồng trọng tài vẫn tổ chức phiên họp vào ngày 11-12/3/2019 tại Osaka, Nhật Bản.
Ngày 10/4/2019, Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết trọng tài. Ngay sau khi nhận được phán quyết, VSH đã có đơn gửi TAND TP Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết trên vì cho rằng Hội đồng trọng tài thực hiện thủ tục không phù hợp với thỏa thuận của các bên; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Hợp đồng quy định điều khoản “lựa chọn Trung tâm trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp phát sinh”. Khi ký kết các bên chưa thỏa thuận cụ thể địa điểm nhưng sau khi trọng tài thụ lý đã thống nhất chọn Hà Nội. Vì vậy, tòa án xác định Hội đồng trọng tài mở tại Nhật Bản là trái với thỏa thuận của các bên, ảnh hưởng đến điều kiện tham gia phiên họp. Do đó phán quyết vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo quyết định của tòa án, VSH không tham gia các phiên điều trần là thiếu sót, bất lợi trong việc trình bày chứng cứ. Nhưng quá trình tố tụng, VSH nộp nhiều tài liệu chứng cứ và ý kiến tự bảo vệ. Hội đồng trọng tài không “căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có” theo luật mà tham chiếu Quy tắc IBA để hạn chế xem xét tài liệu VSH đã nộp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của VSH. Vì vậy, Hội đồng xét đơn chấp nhận hủy phán quyết của VIAC, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên.
Được biết, sau những lùm xùm với nhà thầu, cuối tháng 10 vừa qua, VSH đã thông hầm kỹ thuật tuyến năng lượng của dự án này.