“Cách nay 30 năm một sự kiện xảy ra tại Đông Âu gây chấn động toàn cầu. Bức tường Berlin, biểu tượng cho cuộc Chiến tranh Lạnh sụp đổ, báo hiệu cho sự tan rã hoàn toàn của khối cộng sản toàn trị, do Liên Xô đứng đầu. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ có ý nghĩa gì với lịch sử Việt Nam đương đại ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà văn Nguyên Ngọc, một trụ cột của cao trào Đổi mới văn nghệ Việt Nam trong những năm 1987-1989, nhân chứng lịch sử của thời điểm bước ngoặt này. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ chấn động này đã làm cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam trước đây và hiện nay khác xa với Đông Âu. Bởi chế độ cộng sản tại Việt Nam ”ăn sâu, trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước trong một thời gian rất dài”. Tìm được con đường thoát khỏi một chế độ như vậy là vô cùng khó. Để tìm ra được một kịch bản khả dĩ giải thoát cho Việt Nam, cần trở lại với sự lựa chọn gốc : văn minh hay chuyên chế, hướng về các nền dân chủ phương Tây hay ngả sang các thể chế độc tài – toàn trị.
Bức tường Berlin sụp đổ, những biến chuyển trong khối cộng sản toàn trị trước và sau biến cố lịch sử này dường như, với nhà văn Nguyên Ngọc, vẫn là câu chuyện của Việt Nam hôm nay. Thời gian 30 năm như ngưng đọng. Việt Nam vẫn đứng trước thách thức chọn đường thoát, như 30 năm về trước”.
Đó là những lời giới thiệu của RFI trước khi đi vào nội dung phỏng vấn của nhà đài này với nhà văn Nguyên Ngọc xung quanh sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 hôm 10/11/2019. Đọc kỹ những lời đề dẫn giới thiệu ở trên mới hay, nhà đài này đã có một sự tính toán, chọn lựa khá kỹ khi phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc mà không phải một cá nhân văn nghệ sỹ, trí thức nào khác…
Với bề dày là người từng có thời gian dài công tác trong Quân ngũ, từng mang cấp hàm đại tá Quân đội; có những năm tháng dài phục vụ nền văn nghệ Quân đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đặc biệt những thành công chói lọi trên văn trường, uy tín trong anh em văn nghệ sỹ… Tất cả đó làm cho tên tuổi của nhà văn, tiếng nói của nhà văn trở nên trọng lượng, thu hút ánh nhìn từ dư luận. Và đương nhiên với những hiệu ứng đã được xác lập thì nếu nói trái, đưa ra những cái nhìn tiêu cực, hiệu ứng của nó sẽ cũng lớn vô cùng…
Cho nên, công bằng mà nói thì riêng với việc thuyết phục được nhà văn của chúng ta đăng đàn thì RFI đã thành công một nửa trong lần phỏng vấn này…
Và khó có thể tưởng tượng nổi, với những gì được nói ra của mình, nhà văn đáng kính đã làm cho bài phỏng vấn của nhà đài này thành công ngoài tưởng tượng khi chính nhà văn đã thốt lên những điều không và khó tưởng đến thế.
Theo đó, khi được hỏi về những đánh giá về công cuộc đổi mới của đất nước năm 1986, trước thời điểm bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, thay vì nhìn thấy sự nhanh nhạy, sự dũng cảm của lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước khi đó dám đưa ra quyết sách đổi mới và cứu nguy cho dân tộc trước những nguy cơ mà Liên Xô và nhiều nước Đông Âu đã gặp phải thì nhà văn Nguyên Ngọc lại nói rằng đó là vấn đề tự thân từ người dân: “Lâu nay tôi vẫn thường nói thế này. Cái 1986, cái (mốc) mà Việt Nam gọi là ”Đổi mới”, tức là cái đảng Cộng Sản Việt Nam cởi trói cho xã hội, theo tôi không phải như vậy. Thực ra, nó đã bí bức đến cái mức mà người ta tự phá trói người ta đi ra. Với các tác động của sự sụp đổ của Liên Xô, của việc Bức tường Berlin sụp đổ, người ta càng cảm thấy không thể sống trong một cơ chế như thế nữa. Vào cái năm đó, tôi bảo là không có sự cởi trói đâu ! Không có chuyện cởi trói cho Dân đâu ! Mà là Dân tự phá trói, người ta đi ra. Trước hết là trong đời sống, trong nông nghiệp, rồi đến trong xã hội, trong văn học nghệ thuật, đời sống tinh thần cũng thế… Nhưng ở Việt Nam lại có một chỗ khác, như điều mà tôi nói vừa nãy : cái ”cộng sản” nó lẫn lộn vào trong chủ nghĩa yêu nước. Còn một điều này nữa : Trong thực tế, những người cộng sản đầu tiên người ta cũng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, người ta đi mượn một hệ thống lý thuyết để mong giải phóng dân tộc”.
Trong khi như bình luận của Blog Việt Nam mới: “Và như thế, trong đó không hề có bất cứ dấu vết, công tích nào của Đảng cộng sản, nhà nước trong tiến trình đổi mới của dân tộc sau những nguy cơ và những dấu mốc đáng lo ngại, nhất là việc bức tường Berlin sụp đổ.
Nhà văn đáng kính của chúng ta đã nghĩ như thế đã đổ thừa đến như thế trong khi đến phóng viên nhà đài trong câu hỏi của mình, đã nhận thức rằng chính “Chính quyền” chứ không phải ai khác đã lĩnh xướng và tổ chức cho công cuộc đổi mới của đất nước và đã tránh được những thứ nguy cơ đối diện…
Riêng về chuyện này, cũng xin thưa luôn với nhà văn, đó không phải là chuyện nói chơi hoặc nói tuỳ thích mà được. Để chứng minh cho vai trò của Đảng cộng sản trong chuyện này có đến một tá những lí do có thể được nói ra, trong đó phải kể đến việc có luôn, có hẳn cả một Cương lĩnh đổi mới với tư cách là Kim chỉ nam, là đường hướng và cách thức để Đảng cộng sản, nhà nước hướng dẫn, chỉ đạo công cuộc đổi mới… Đó là chưa nói những khởi phát từ đổi mới xuất phát, bắt nguồn từ những cá nhân trong Đảng, thông qua quá trình thí điểm, rút kinh nghiệm từ chính trong nội bộ đảng. Câu chuyện xảy đến với ông Kim Ngọc, nguyên bí thư Vĩnh Phú là ví dụ còn sống trường tồn với thời gian và là bằng chứng sống cho điều vừa được nói đến…
Cái điều mà nhà văn nói ra không khác gì giọng lưỡi của những kẻ vô ơn, những kẻ đã, đang sẵn sàng bán đứng dân tộc mình trước những món tiền của đám quan thầy bên ngoài. Và đó là đáng hổ thẹn trong chính suy nghĩ của ông!”.
Chưa hết, nhà văn của chúng ta cũng thể hiện tinh thần sính ngoại kiểu AQ của chính mình khi hiến kế để đất nước đi lên bằng việc: “Con đường phát triển duy nhất là phải hướng về phương Tây. Phải trở nên văn minh. Sở dĩ Việt Nam mà bị nô lệ là vì Việt Nam quá ư lạc hậu so với đối thủ của mình. Muốn thoát ra khỏi tình trạng thê thảm đó, thì phải hướng về nền văn minh của phương Tây.”
Bình luận về những điều được nhà văn nói ra, nhiều trang và nhiều người đã có lí khi nói rằng chính những thay đổi lâu nay và gánh nặng về tuổi tác (lẽ ra đã đến tuổi nghỉ ngơi) đã khiến nhà văn không còn giữ được cái khí tiết của tuổi trẻ, khi mà trí tuệ, con tim rạo rực tinh thần yêu Đảng, chế độ và sẵn sàng hiến dâng những điều có thể.
Những điều xảy đến với nhà văn Nguyên Ngọc cũng là điều xảy đến với không ít người mà trong quá khứ, họ đã thành danh trên một lĩnh vực nào đó. Nhưng khi đã nghỉ hưu, khi không còn làm việc chính thức và giao du với những đám sẵn mầm mống chống đối, thiếu thông tin, họ đã bị chuyển đổi theo xu hướng xấu. Họ sẵn sàng nói điều ngược lại, hùa theo một bộ phận thiểu số để làm mất uy tín của Đảng cộng sản, nhà nước chỉ vì những bất đồng kiểu tiếng nói của mình không được đồng thuận, không được tiếp thu và cả hàng tá những lí do không đâu, vớ vẩn khác…
Suy cho cùng những người như nhà văn Nguyên Ngọc là sản phẩm của một thế hệ người cũ không chịu bắt nhịp hoặc bắt nhịp lỗi mốt so với thời đại các vị đang sinh sống!
Mõ Làng