Dù Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng trả đũa quyết liệt Washington, họ được cho là sẽ không dám “làm liều” vì đàm phán thương mại chưa ngã ngũ.
Trump ngày 27/11 ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ mỗi năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới.
Đạo luật mới cho phép Mỹ phong tỏa tài sản và cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, tiến hành đánh giá thường niên để xem xét liệu Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu cùng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc hay không.
Người biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong tập trung tại quận Cửu Long hôm 27/11. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ đồng thời ký thông qua luật cấm bán hơi cay, đạn cao su và các thiết bị khác được lực lượng an ninh Hong Kong sử dụng để đối phó người biểu tình.
Theo cây bút Tom Mitchell từ Financial Times, động thái từ phía Mỹ sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ ngoại giao song phương quan trọng nhất thế giới. Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cũng cho rằng đạo luật sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
“Tôi không nghĩ nó có thể giúp những người biểu tình Hong Kong đạt được mục đích. Hơn nữa, đạo luật còn tác động tới mối quan hệ Mỹ – Trung. Tôi nghĩ mối quan hệ sẽ trở nên tệ hơn”, ông nói.
Sau quyết định của Tổng thống Trump, hàng nghìn người Hong Kong đã tập trung ở trung tâm thành phố, vẫy cờ Mỹ để cảm ơn ông ký đạo luật. Trung Quốc trong khi đó gọi đây là hành động “vô cùng ghê tởm và chứa chấp những ý đồ vô cùng nham hiểm”. Bắc Kinh cảnh báo sẵn sàng thực hiện “các biện pháp trả đũa quyết liệt” chống lại Washington.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù phát đi giọng điệu cứng rắn, Trung Quốc có rất ít lựa chọn để đáp trả Mỹ. Và họ cũng có những ưu tiên lớn hơn cần quan tâm, cụ thể là cuộc chiến thương mại đang căng thẳng giữa hai nước. Bất chấp đôi bên đều thể hiện sẵn sàng bước tiếp, họ thậm chí còn chưa ký hiệp định tạm thời nhằm ngăn một mức thuế mới phát huy hiệu lực trong vòng ba tuần nữa.
“Bắc Kinh có thể nói rất nhiều nhưng họ không đủ khả năng hành động”, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London, nhận xét. “Thỏa thuận thương mại quan trọng với Trung Quốc đến mức họ sẽ không để bất kỳ điều gì cản trở nó”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/11, Bộ Thương mại Trung Quốc, cơ quan trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, không đề cập tới đạo luật Trump vừa ký.
Dù chính phủ Trung Quốc coi tình trạng bất ổn ở Hong Kong là bài kiểm tra đối với sức mạnh và thẩm quyền của mình, họ vẫn có lý do để đặt vấn đề kinh tế lên trước, chuyên gia nhận định.
Cuộc chiến thương mại khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ. Các chỉ số kinh tế những tuần gần đây cho thấy tình trạng trì trệ vẫn tiếp diễn.
Cùng lúc, Trung Quốc hiện phải lên kế hoạch nhập khẩu lượng thịt lợn khổng lồ sau khi dịch tả lợn châu Phi đã giết chết hơn một nửa đàn gia súc nước này. Mỹ là nước sản xuất thịt lợn lớn thứ hai thế giới, nhà sản xuất đậu tương dùng cho thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới.
Trung Quốc và Mỹ có lẽ còn lâu nữa mới có thể kết thúc chiến tranh thương mại. Nhưng đôi bên đang cố tiến tới trạm nghỉ đầu tiên được gọi là thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”. Việc đạt được một thỏa thuận có thể chặn các vòng thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, gồm cả điện thoại thông minh và máy tính xách tay, dự kiến phát huy hiệu lực vào ngày 15/12.
Các nhà đàm phán Trung Quốc “hiểu rằng họ đã dồn quá nhiều tâm sức vào những cuộc đàm phán thương mại và không được phép để những vấn đề khác gây cản trở”, James Green, cộng tác viên cấp cao tại McLarty Associates, một công ty tư vấn trụ sở ở Washington, nói.
Theo Evan S. Medeiros, giáo sư Đại học Georgetown, giám đốc phụ trách khu vực châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới chính quyền Obama, Trung Quốc cần thể hiện thái độ giận dữ trước đạo luật Hong Kong nhưng thực tế, nó cũng giúp Bắc Kinh có thêm lợi thế. Trung Quốc có thể đổ lỗi cho Mỹ về tình trạng hỗn loạn đang diễn ra tại Hong Kong.
Một đạo luật trừng phạt cả Trung Quốc lẫn Hong Kong đóng vai trò như “bằng chứng” về cái gọi là “sự can thiệp của Mỹ”, Medeiros bình luận.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Trung Quốc sẽ không nôn nóng giải quyết vấn đề Hong Kong bởi họ hiểu rằng nó không thể được tháo gỡ chỉ trong một sớm một chiều. Dù chờ đợi, Bắc Kinh không thể phớt lờ những thách thức mà đạo luật do Mỹ ban hành gây ra. Việc Trump phê chuẩn đạo luật có thể làm gia tăng nỗi lo âu bên trong giới lãnh đạo Trung Quốc rằng ảnh hưởng của họ đang suy yếu ở Hong Kong, từ đó, gia tăng những nỗ lực nhằm thắt chặt kiểm soát.
Chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước tuyên bố sẽ triển khai các bước nhằm “bảo đảm an ninh quốc gia” tại Hong Kong song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo Tian Feilong, giám đốc điều hành một viện nghiên cứu về chính sách Hong Hong ở Bắc Kinh, Mỹ càng “mạnh tay về vấn đề Hong Kong bao nhiêu thì Trung Quốc sẽ càng lo lắng về an ninh quốc gia tại đặc khu nhiều bấy nhiêu”.
“Chính quyền trung ương thậm chí sẽ khẩn trương xem xét các phương án và hệ thống nhằm kiểm soát tình hình Hong Kong”, Tian nói.
Vũ Hoàng (Theo CNBC, New York Times)