Mấy ngày hôm nay trên mạng xã hội rộ lên nhiều status, bài viết tấn công, sỉ nhục Nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà trong đó có cả nhà văn, nhà báo có tên tuổi. Sự ác ý này nhằm mục đích gì? ẩn chứa sâu xa của mục đích ấy những người có trái tim, lương tri đều hiểu.
Là người cũng tham gia phiên họp của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Thành phố (xin gọi tắt là “Hội đồng”) ngày hôm ấy (ngày 10 tháng 11 năm 2019) hiện tôi còn có file ghi âm cả cuộc họp ngày hôm ấy. Nay đọc những bài viết ác ý, cố tình đơm đặt trên mạng, trong lòng xót thương người bị hại và căm phẫn những ngòi bút “tà gian”.
Tôi chỉ xin đề cập đến bài viết của nhà văn LTN đăng trên trang cá nhân lúc 9g30 ngày 14/11/2019, bằng nhận thức của mình, người viết nhận thấy:
Trong các phiên họp của Hội đồng và phiên họp ngày 10/11 vừa qua mà thành viên đều là những nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ tên tuổi có nhiều cống hiến tiêu biểu cho văn học nghệ thuật Thành phố và nước nhà. Bằng ngôn ngữ nói, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói: dòng văn học nghệ thuật của chế độ Ngụy quyền tay sai; khi nhắc lại lần thứ hai là của Việt Nam Cộng hòa và rồi của chế độ cũ, thì đều hàm chứa những tác phẩm văn học nghệ thuật của cơ quan tâm lý chiến, thông tin chiêu hồi trong bộ máy chính quyền nhằm chống lại dân tộc, chống lại cuộc kháng chiến cứu quốc, chống lại nền văn học nghệ thuật dân tộc, yêu nước, cách mạng. Như vậy, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng đã phân biệt rạch ròi giữa 2 dòng văn học nghệ thuật mà chính bản thân anh cùng những Vũ Hạnh, Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh… cũng nằm trong dòng văn học nghệ thuật miền Nam thuộc dòng dân tộc, yêu nước cách mạng. Nhận định của LTN và một số cây bút khi cắt ghép ý kiến của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để quy chụp rằng nhạc sĩ phủ nhận tất cả giá trị của văn học nghệ thuật miền Nam trước giải phóng quả là thiển cận, hàm hồ và hoàn toàn không khách quan!
LTN còn viết: “Từ chức Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, ông Trần Long Ẩn ngồi luôn chức Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật TPHCM”. Là người trong cuộc có vai vế trách nhiệm (Nhà thơ LTN nằm trong Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn TP, Ủy viên Ban Lý luận phê bình của Liên Hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP) mà anh ta xem ra chỉ giỏi tin, hay chữ lòe thiên hạ vì thực tế Nhạc sĩ Trần Long Ẩn hiện đang là Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố, kiêm Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố. Và cái tên cơ quan Liên hiệp mà anh ta có góp phần trong đó cũng không viết đúng được.
LTN đánh giá tài năng của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chỉ là “Từ một anh biên tập băng đĩa loàng xoàng, chuyên móc nối viết tỉnh ca và huyện ca để kiếm ăn, không hiểu ông Trần Long Ẩn đã được ai khai quật để đưa lên làm lãnh đạo văn nghệ”. Làm sao mà LTN không biết khi cả nước đều biết và nhìn nhận: Nhạc sĩ Trần Long Ẩn là nhạc sĩ tài năng có nhiều cống hiến cho cách mạng và nền âm nhạc Việt Nam. Tham gia phong trào sinh viên yêu nước trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” từ những năm 60, Trần Long Ẩn đã có những ca khúc tiêu biểu như: Trên đường tranh đấu, Bà mẹ Bàn Cờ, Người cha bên tàu, Đi về mới có hoa lục bình, Chim gọi đàn chim tung cánh trăng… đã được sinh viên yêu mến, lay động hàng triệu trái tim Việt Nam sục sôi khí thế yêu nước, cách mạng.
Năm 1972, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn vào chiến khu rồi vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội. Sau năm 1975, nước nhà thống nhất Ông trở về miền Nam tiếp tục hoạt động âm nhạc và đã tốt nghiệp cao học loại Xuất Sắc và đã tham gia viết hợp xướng, giao hưởng đồng thời có những ca khúc còn mãi lưu dấu cho đời sau như: Tình đất đỏ miền Đông, Một đời người – một rừng cây, Mừng tuổi Mẹ, Xin làm người hát rong, Đêm thành phố đầy sao, Đi qua vùng cỏ non, Đàn sáo hậu Giang, Trên mảnh đất tình người…
Với tài năng cống hiến cùng nhân cách sống của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn được thể hiện qua cả một quá trình trưởng thành cống hiến như trên. Nhưng LTN lại hàm hồ dùng những từ ngữ thô bỉ, ám chỉ và xúc phạm nặng nề như: Tuổi già ham hố; Xưa nay, miếng thịt vẫn là miếng nhục! Xưa nay, mấy ai muốn nuôi loại chó không biết sủa; Kết quả, biết ẩn thì đớp được miếng to; Ca khúc của Trần Long Ẩn chủ yếu loảng xoảng cao giọng lý sự rỗng, chứ tiết tấu và khúc thức hơi tầm thường…
Dụng bút phải có đức, có tâm thể hiện tâm hồn trong sáng, tính nhân văn cao cả, tình yêu thương con người tha thiết. Đáng buồn rằng những người có những phát ngôn hồ đồ như LTN giờ đây khá đông trên không gian mạng vì chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Rất mong rằng trong thời gian tới, lãnh đạo Hội Nhà văn Thành phố và các cơ quan chức năng cần triệt để xử lý những ngòi bút “tà đạo” này.
MINH TÂM