Nói về việc để lọt “đường lưỡi bò” trong phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, cho rằng hình ảnh này “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá”
Bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”, do hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác với Công ty Pearl của Trung Quốc sản xuất, Công ty CJ CGV tại Việt Nam phát hành, công chiếu ở Việt Nam từ ngày 4-10, sau khi được Hội đồng Trung ương Thẩm định phim thông qua và Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp phép phổ biến toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi phát hiện trên phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” – tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông – công luận lên tiếng, nhà phát hành ngưng chiếu nhưng phim đã ra rạp cả chục ngày.
Hậu quả này hết sức nghiêm trọng. Nói như TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, khi phim “Điệp vụ biển Đỏ” được phép công chiếu tại Việt Nam: “Trung Quốc đang tìm mọi cách để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông nên nếu cho công chiếu phim là mặc nhiên công nhận biển Đông của Trung Quốc”.
Ấy thế mà bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, lại phát ngôn với báo chí rằng hình ảnh “đường lưỡi bò” “chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá”. Không hiểu nhà thơ có tiếng này cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam đối với chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa xâm phạm không mà phát biểu lạnh lùng và ngây ngô đến vậy. Trong bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc mang tên “Tổ Quốc gọi tên mình”, có câu: “Một tấc biển tách rời, vạn tấc đất đớn đau”. Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu thơ này.
Bởi thế, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, bày tỏ không đồng tình với trả lời của bà Hồng Ngát, bởi đứng trước bộ phim có xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò”, cho dù là cơ quan quản lý nhà nước hay người dân thì đều phải nêu cao ngọn cờ độc lập, chủ quyền dân tộc lên hàng đầu.
Khi gây ra sai phạm, người ta thường hay chống chế để chối bỏ trách nhiệm nhưng cách chống chế như đã nói của vị thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim này là không thể chấp nhận. Phát ngôn của bà Hồng Ngát gợi nhớ đến trường hợp bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, khi cho rằng những thông tin mà mạng xã hội và một số tờ báo mạng đưa tin rằng bộ phim “Điệp vụ biển Đỏ” tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo”, hay “phim nói biển Đông thuộc Trung Quốc” là hoàn toàn suy diễn.
Để làm “chìm xuồng” lỗi của Hội đồng Trung ương Thẩm định phim, Cục Điện ảnh và củng cố thêm quan điểm không sai của mình, bà Dung khẳng định Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm. Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến….; cho rằng bộ phim “Điệp vụ biển Đỏ” đã được phát hành đồng thời tại một số nước và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Úc, Singapore, Campuchia, Malaysia… chứ không riêng Việt Nam và khán giả không có ý kiến phản hồi trái chiều về bộ phim để đi đến quy kết công luận gây ra nhiều thông tin trái chiều, sai lệch trong dư luận, tạo tác động tiêu cực trong xã hội.
Rõ ràng, công chúng – những người dân bình thường – đã nhận ra ý đồ của kẻ xấu, ý thức được việc cần phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của đất nước, lợi ích của dân tộc nên lên tiếng để cùng nhau ngăn chặn. Vì vậy, đừng xem đây là sự “làm quá” hoặc dùng quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước hòng dập tắt dư luận vốn đang gây bất lợi cho mình.
Sai sót trong công việc là khó tránh khỏi. Quan trọng là phải biết nhận ra cái sai để sửa chữa, khắc phục với tinh thần cầu thị. Người làm công tác quản lý càng phải hiểu điều đó. Không vì trốn tránh trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của mình mà tìm cách đổ vấy cho người khác, phát ngôn vô trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thái Bình tiết lộ với báo giới rằng có đầy đủ 11/11 thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định phim tham gia thẩm định bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”. Nếu vẫn bài cũ: “Hội đồng Trung ương Thẩm định phim đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm” thì việc để lọt hình “đường lưỡi bò” ôm trọn biển Đông trong phim này cần phải được truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm túc, không để dễ dàng “chìm xuồng” như vụ sai phạm ở phim “Điệp vụ biển Đỏ”.
Theo Người lao động