Quảng Minh là xã bãi ngang thuộc thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, 4 thôn vùng Cồn Nâm là Đông Thành, Tân Định, Minh Hà và Cồn Nâm bị chia cắt bởi dòng sông Nan. Bốn bề sông nước, người dân vùng Cồn Nâm chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác hải sản. Cái đói, cái nghèo bao bọc lấy làng quê này từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc đi lại cũng hết sức bất tiện, muốn đi sang bên phía Minh Lệ chỉ có một cách duy nhất, đó là đi thuyền.
Phối cảnh cầu Cồn Nâm
Ước mơ cháy bỏng từ bao đời nay, người dân vùng Cồn Nâm mong muốn có chiếc cầu bắc qua sông để nhân dân đi lại thuận lợi. Có điện, có đường, có trường nhưng chưa có đường ô tô về tận thôn là trở lực lớn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của 4 thôn vùng Cồn Nâm. Ước muốn của nhân dân 4 thôn vùng Cồn Nâm cũng chính là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, thị xã và địa phương trong suốt mấy chục năm qua. Do điều kiện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nên để có khoản ngân sách đầu tư xây dựng cây cầu bê tông kiến cố là cả một vấn đề lớn bởi kinh phí xây dựng tương đối lớn.
Phối cảnh cầu Cồn Nâm
Thấu hiểu những khó khăn và trở ngại của người dân vùng Cồn Nâm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vừa qua Sở Giao thông vận tải Quảng Bình đã lập dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh qua 4 thôn vùng Cồn Nâm. Theo thiết kế cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt cầu phủ bê tông nhựa, bề rộng 7,5m (lòng cầu 6,5m); chiều dài cầu hơn 200m; độ cao nhịp giữa 8,7m, ở hai mố cầu 7,22m; tổng mức đầu tư 39,9 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020. Ước mơ bao đời nay của người dân vùng Cồn Nâm sắp trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Việc xây dựng cầu dân sinh qua 4 thôn vùng Cồn Nâm là sự quan tâm, chăm lo cuộc sống nhân dân, đặc biệt nhân dân ở các vùng bãi ngang của Đảng, Nhà nước. Vì thế sau khi biết được thông tin Sở Giao thông vận tải Quảng Bình sắp sửa khởi công xây dựng cầu qua vùng Cồn Nâm, linh mục Trương Văn Thực mới bày trò gấp rút làm cầu phao để thu tiền. Lẽ ra với cương vị là quản xứ, linh mục Trương Văn Thực phải loan tin mừng, động viên bà con giáo dân ủng hộ, hợp tác với chính quyền trong việc bàn giao mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc thi công công trình đảm bảm đúng tiến độ. Thế nhưng trong lễ rao giảng ngày 6/10/2019, tại nhà thờ Giáp Tam, linh mục Trương Văn Thực lại xuyên tạc, kích động một cách trắng trợn rằng “việc thị xã chuẩn bị xây dựng cầu qua 4 thôn vùng Cồn Nâm là lừa dân”. Hành động “ăn không, nói có”, “đổi trắng thay đen” của linh mục Trương Văn Thực không dừng lại ở việc bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước, mà có ý đồ sâu xa hơn là tuyên truyền, hướng lái nhằm buộc giáo dân ủng hộ và nộp tiền để làm cầu phao bắc qua sông. Được biết linh mục Thực đã thỏa thuận với linh mục Thân Văn Chính mua lại cầu phao ở thôn Liên Hòa, Quảng Trung khi mà cầu bê tông do UBND tỉnh đầu tư ở đây sắp sửa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Việc bắt giáo dân đóng tiền làm cầu phao của linh mục Trương Văn Thực có nhiều vấn đề hết sức mờ ám, bất minh. Lúc đầu, linh mục Trương Văn Thực quy định giáo dân đóng 3,6 triệu đ/ hộ. Do số tiền quá cao so với điều kiện kinh tế của gia đình nên có nhiều hộ giáo dân không đồng ý. Linh mục Thực buộc phải hạ xuống 2 triệu đ/hộ nhưng vẫn có nhiều giáo dân vẫn không đồng tình. Cuối cùng linh mục Trương Văn Thực buộc phải hạ xuống 1 triệu đ/hộ. Nếu thu 1 triệu đ/hộ đủ để làm cầu phao thì tại sao lúc đầu linh mục Trương Văn Thực lại bắt giáo dân đóng 3,6 triệu đ/hộ, rồi phải thương lượng, ngả giá đi ngả giá lại như mớ tôm, mớ tép ngoài chợ?. Trong khi các vị lại hô hào các trường học phải công khai minh bạch các khoản thu nhằm tránh hiện tượng lạm thu. Vậy thử hỏi, nếu có xây dựng cầu phao, tại sao linh mục Trương Văn Thực không lập dự toán chi phí di dời, sửa chữa, lắp đặt lại hết tổng cộng bao nhiêu tiền rồi chia cho tổng số hộ của 4 thôn vùng Cồn Nâm sẽ ra mức đóng nộp của từng hộ. Ngoài ra chưa tính đến nguồn thu từ việc bán vé. Theo chủ trương của linh mục Trương Văn Thực khi đưa vào sử dụng, nếu người dân có nhu cầu qua lại cũng phải mua vé.
Có thể thấy rõ, ý đồ của linh mục Trương Văn Thực ép giáo dân đóng tiền để làm cầu phao và nộp tiền mỗi khi qua cầu thực chất là nhằm vơ vét tiền của giáo dân. Trong khi cuộc sống của nhân dân cùng Cồn Nâm đang hết sức cực khổ, khó khăn. Khi biết sắp có cầu bắc qua sông, giáo dân không đồng ý đóng tiền làm cầu phao, song linh mục Thực vẫn tìm mọi cách o bế, ép buộc giáo dân nộp tiền. Bởi nếu nay mai có cầu rồi, không có cớ gì làm cầu phao để thu tiền nữa.
Thế nên từ việc xuyên tạc “việc thị xã xây cầu qua 4 thôn vùng cồn là lừa dân” đến nôn nóng bắt giáo dân đóng tiền để làm cầu phao đã lộ rõ bộ mặt gian trá của linh mục Trương Văn Thực. Để thực hiện mưu mô của mình, linh mục Thực buộc phải hạ mức đóng xuống 1 triệu đ/hộ, sau đó chắc chắn sẽ có thêm khoản thu từ tiền bán vé qua cầu nữa. Trong khi cầu phao đã sử dụng nhiều năm, nay mua lại đưa vào sử dụng, ai dám chắc đảm bảo an toàn giao thông. Chiêu bài này giống như linh mục Thân Văn Chính đã áp dụng với giáo dân ở thôn Liên Hòa, xã Quảng Trung.
Bởi thế người dân 4 thôn Đông Thành, Tân Định, Minh Hà và Cồn Nâm cần sáng suốt, tỉnh táo trước tâm địa đen tối của linh mục Trương Văn Thực. Bà con chịu khó bao năm nay rồi, nay chịu khó một thời gian ngắn nữa thôi là sẽ có cầu bằng bê tông cốt thép bắc qua. Không việc gì bà con lại lãng phí khoản tiền làm cầu phao, nên để dành khoản tiền đó cho các công việc khác thiết thực hơn. Việc đóng tiền thêm gánh nặng cho gia đình và chỉ “vỗ béo” cho hầu bao của linh mục Trương Văn Thực mà thôi.
Phan Linh