Nguyễn Tấn Lương, chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai gọi giang hồ vây xe chở công an gây xôn xao dư luận, bị khởi tố để điều tra thêm tội “Trốn thuế”.
Nguồn tin từ Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 6/10 cho hay, cơ quan này đã tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tấn Lương (sinh năm 1982, trú Biên Hòa), Giám đốc Công ty TNHH Phú Gia Lương, để điều tra về tội “Trốn thuế”.
Theo điều tra, Công ty TNHH Phú Gia Lương, trụ sở đóng tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, chuyên về lĩnh vực xây dựng, có nhiều dự án về cơ sở hạ tầng tại TP Biên Hòa.
Ông Nguyễn Tấn Lương – chủ doanh nghiệp – đã bị bắt.
Từ năm 2012 đến 2018, Nguyễn Tấn Lương đã trốn thuế doanh thu và một số khoản thuế khác. Ngay sau khi khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, công an đã khám xét trụ sở Công ty Phú Gia Lương, thu nhiều tài liệu.
Trước đó, công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lương, Ngô Đình Giang (tức “Giang 36”), Nguyễn Duy Kỷ (còn gọi là Tuấn “nhóc”) và Nguyễn Văn Căn (còn gọi là Tý).
Trong diễn biến khác, Công an thành phố Biên Hòa ngày 3/10 đã triệu tập thêm một số người có liên quan đến vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến Nguyễn Tấn Lương và Ngô Đình Giang cầm đầu, để lấy lời khai. Trong số những người bị triệu tập có bà Nguyễn Thị Hồng – vợ Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa bị cách chức vì các sai phạm.
Ông Lương lúc bị dẫn giải về Công ty Phú Gia Lương để thực hiện lệnh khám xét.
Theo điều tra ban đầu, vào thời điểm xảy ra vụ nhóm giang hồ chặn xe chở công an, từ số điện thoại của bà Hồng và số điện thoại của Nguyễn Tấn Lương có nhiều cuộc gọi qua lại, tuy nhiên chưa cụ thể nội dung. Do vậy, cơ quan điều tra đã triệu tập bà Hồng để lấy lời khai, làm rõ.
Ngày 12/6, tại nhà hàng Lâm Viên – phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa đã xảy ra vụ ẩu đả, sau đó dẫn đến việc nhóm giang hồ bao vây, dằn mặt nhau gây rúng động trật tự an ninh trên địa bàn.
Trước đó, một nhóm 10 người ngồi tại phòng Vip 8 của nhà hàng Lâm Viên gồm Nguyễn Tấn Lương (sinh năm 1982, ngụ thành phố Biên Hòa); Lê Võ Trường Hải (sinh năm 1974, ngụ tỉnh Đắc Lắc) – là các chủ doanh nghiệp- và 8 người khác.
Nhóm thứ hai ngồi tại phòng Vip 2 gồm: Phạm Văn Hiền (sinh năm 1985, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và 3 người khác cùng ngụ tại thành phố Biên Hòa là Nguyễn Quang Trường (sinh năm 1977), Đinh Tú Anh (sinh năm 1979) và Huỳnh Bảo Hùng (sinh năm 1959).
Ông Huỳnh Bảo Hùng nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực thành phố Biên Hòa mới nghỉ hưu; ông Đinh Tú Anh và ông Nguyễn Quang Trường là các “sếp” tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai.
Tại đây, Phạm Văn Hiền khi đi vệ sinh đã nôn ói không kiểm soát trúng vào người Nguyễn Tấn Lương nên hai nhóm xảy ra xô xá. Sau đó, nhóm của Hiền lên ô tô rời quán, Lương gọi điện cho Ngô Văn Giang. Giang đã điều nhóm giang hồ xăm trổ bao vây ô tô của “nhóm công an”. Lực lượng công an tỉnh sau đó có mặt nhưng không xử lý ngay được.