Sinh viên châu Phi được nhận học bổng Trung Quốc có thể trở thành tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho Bắc Kinh trên trường quốc tế trong tương lai.
Từ cuối những năm 1990, Bắc Kinh đã đưa ra một danh sách dài những thành công ở châu Phi, được thúc đẩy bởi một chiến lược toàn cầu khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Theo kế hoạch hành động đó, Trung Quốc năm 2009 vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.
Bắc Kinh hiện cũng là nhà cho vay song phương lớn nhất đối với hầu hết các nước châu Phi. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính khoảng 143 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi, bao gồm bến cảng, đường sắt, đường cao tốc hay đập thủy điện, theo số liệu từ chương trình Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – châu Phi tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, trụ sở ở Washington. Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi trong quá trình này.
Bắc Kinh đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng về việc họ muốn gây sức ép lên các nước châu Phi bằng những khoản nợ thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường, một kế hoạch tỷ đô kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Với một số nhà phê bình, Bắc Kinh đang hiện diện ở châu Phi để thực dân hóa. Họ cáo buộc các công ty Trung Quốc đưa công nhân tới để tước đi công việc của công nhân địa phương. Họ cũng chỉ trích việc Trung Quốc được cho là đang bán phá giá những sản phẩm giá rẻ ở châu Phi.
Các cáo buộc trên có thể không hoàn toàn chính xác nhưng nhận thức cho rằng Trung Quốc đang làm những hành động “mờ ám” ở châu Phi vẫn hiện hữu.
Nhận thức rõ về những cáo buộc trên, Trung Quốc đang nỗ lực sửa chữa hình ảnh của mình ở châu Phi thông qua hàng loạt sáng kiến, bao gồm việc thành lập hàng chục Viện Khổng Tử. Những cơ sở này, đặt trụ sở tại các trường cao đẳng và đại học ở châu Phi, dạy tiếng và văn hóa Trung Quốc, được ví giống Liên minh Pháp hay Hội đồng Anh.
Bắc Kinh còn mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi qua các cơ quan truyền thông nhà nước như hãng thông tấn Xinhua hay Văn phòng châu Phi của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTV). Xinhua đang xây dựng một tòa nhà văn phòng 16 tầng cùng một khu chung cư ở Nairobi.
Tuy nhiên, sáng kiến “quyền lực mềm” có sức ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là những chương trình học bổng đã giúp đưa hàng nghìn sinh viên châu Phi tới học tập ở Trung Quốc cả ở cấp đại học và sau đại học.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm ngoái ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ trao 50.000 suất học bổng và 50.000 cơ hội đào tạo cho người dân châu Phi trong ba năm tới, nhiều hơn 66% so với năm 2015.
Chuyên gia nhận định thông qua chương trình học bổng, Bắc Kinh đang xây dựng một “đội quân” những người ủng hộ trong tương lai đối với các hoạt động của họ ở châu Phi. Khi các sinh viên này hoàn thành việc học tập, họ sẽ là những tiếng nói tuyên truyền tích cực cho Trung Quốc, không chỉ ở châu Phi mà còn trên toàn thế giới. Học bổng bao gồm học phí cùng các chi phí y tế, ngoài ra còn có cả trợ cấp sinh hoạt.
“Đây là một chiến lược thành công xét về khía cạnh tạo dựng thiện chí”, David Shinn, học giả về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington, nhận xét. Nhưng theo ông, nó cũng gây hoài nghi rằng liệu Trung Quốc có nhận được những sinh viên châu Phi tốt nhất nhờ sáng kiến của mình. “Tôi nghĩ những sinh viên tốt nhất vẫn sẽ chọn các đại học phương Tây nhưng không có cách nào để chứng minh điều này”, ông nói.
Từ cuối tháng 8, hàng nghìn sinh viên mới từ châu Phi đã bắt đầu niên khóa tại các trường đại học Trung Quốc. Nhà chức trách cho biết số lượng sinh viên châu Phi theo học tại các trường đại học Trung Quốc năm nay đạt mức cao nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, Bắc Kinh hiện có 259 học bổng cho sinh viên Tanzania và 400 học bổng cho sinh viên Ethiopia, gấp đôi so với năm trước.
Giáo sư XN Iraki từ Trường Kinh doanh, Đại học Nairobi, đánh giá số lượng học bổng dành cho sinh viên châu Phi ngày càng tăng phản ánh khả năng không ngừng mở rộng của Trung Quốc trong việc thuyết phục người khác làm theo những điều họ muốn mà không cần ép buộc hay sử dụng vũ lực.
“Quyền lực mềm của Trung Quốc đã vươn tới thế hệ tiếp theo”, Iraki nói. “Trung Quốc muốn chuẩn bị cho một thế hệ những người tiêu dùng và người gây ảnh hưởng kế tiếp”.
Theo các chuyên gia giáo dục, Mỹ hiện vẫn là quốc gia sở hữu nhiều trường đại học tốt nhất thế giới và vẫn có khả năng thu hút những sinh viên hàng đầu nhưng các sinh viên ở châu Phi và châu Á đang có xu hướng nghiêng về phương án lựa chọn theo học ở Trung Quốc bởi hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện của họ.
Số lượng sinh viên quốc tế học tập tại các trường đại học Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần trong 15 năm, từ 77.715 sinh viên vào năm 2003 lên 492.185 sinh viên vào năm 2018. Trong cùng giai đoạn trên, số sinh viên châu Phi theo học cao học ở Trung Quốc tăng tới 40 lần, từ 1.793 năm 2003 lên 81.562 năm 2018.
Li Anshan, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á – châu Phi, Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng làn sóng sinh viên châu Phi đổ vào Trung Quốc tăng nhanh từ sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi hồi năm 2000.
Vào cuối năm 2002, có 1.600 sinh viên châu Phi trong 85.800 sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc. Đến năm 2009, con số đã tăng lên 12.436 sinh viên châu Phi trong tổng số 230.000 sinh viên nước ngoài.
Một số sinh viên cho biết bên cạnh học tập, họ muốn tận dụng cơ hội này để tìm hiểu thêm về những công nghệ mới, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
“Tôi nóng lòng muốn tới và học hỏi công nghệ của họ bởi công nghệ thông tin ở Trung Quốc phát triển hơn nhiều so với Kenya”, Charles Kiragu, sinh viên người Kenya theo học ngành kỹ sư công nghệ thông tin tại một trường đại học ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho hay.
Vũ Hoàng (Theo South China Morning Post