Friday, November 22, 2024

Chống chạy chức, chạy quyền: Giới thiệu sai nhân sự cũng phải chịu trách nhiệm

Ông Lê Như Tiến khẳng định phải quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, khi giới thiệu nhân sự vào vị trí lãnh đạo để chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền được ban hành ngày 23/9/2019. Quy định này nêu rất rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Dư luận xã hội và đông đảo cán bộ, công chức, trí thức bày tỏ nhiều quan điểm tích cực về quy định mới trên.

Trả lời VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy rõ trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cho Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ là một yếu tố rất quan trọng.

Song song với điều đó, chúng ta cần phải chú trọng hơn việc kiểm soát công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác đề bạt cán bộ.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

– Dư luận vẫn bàn tán về vấn nạn chạy chức, chạy quyền nhưng ít ai đưa ra được những trường hợp cụ thể, thưa ông?

Trong một vài lần tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã cảnh báo về việc chạy chức, chạy quyền. Vấn nạn này gần như hữu hình, nhưng lại như vô hình ở chỗ “chạy ai”, “ai chạy”. Liệu có bắt được tận tay những người vi phạm hay không là một điều rất khó.

Cho nên, chúng ta nói rất nhiều đến chạy chức, chạy quyền, nhưng khi đưa ra những minh chứng thì rất khó. Bởi vì, những người chạy chức, chạy quyền và người được các đối tượng “chạy” đều rất tinh vi, chứ không lộ liễu.

Vì thế, chúng ta nói nhiều nhưng lại chưa có những giải pháp, quy định cụ thể để nhận diện việc chạy chức, chạy quyền. Do đó, nhìn tổng thể, tôi thấy việc chạy chức, chạy quyền chưa thực sự được ngăn chặn.

Thực trạng việc chạy chức, chạy quyền vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến. Ở nhiều địa phương, rộ lên việc chạy vào suất biên chế, giáo viên hay chạy vào biên chế công chức. Đã “chạy” là phải rất tốn kém.

Ở Trung ương cũng có hiện trượng chạy biên chế, chạy lên chức. Từ các phòng, sở, ban, ngành cũng đều phải chạy suất vào. Và mỗi lần chạy như vậy đều phải chi tiền.

Vì thế, tình trạng chạy chức, chạy quyền của chúng ta không những không được ngăn chặn kịp thời, mà có phần lây lan nhiều hơn.

– Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/9 có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Gần đây, Bộ Chính Trị ban hành Quy định 205 về việc ngăm cấm các cán bộ, công chức chạy chức, chạy quyền. Vì nếu hiện tượng này diễn ra nhiều, sẽ gây mất công bằng xã hội nói chung, bất bình đẳng trong công tác cán bộ nói riêng.

Điều đó sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực và rất nguy hại, khi các cán bộ có năng lực kém, phẩm chất kém mà lại được vào những vị trí cao, còn những người có khả năng, phẩm chất tốt có khi lại bị đẩy ra ngoài. 

Trong những năm gần đây, tình trạng chạy chức chạy quyền không những không được ngăn chặn kịp thời mà thậm chí còn có xu hướng tăng lên.

Cho nên tôi thấy rằng, Quy định 205 của Bộ Chính trị vừa qua, đã có tác động rất tốt. Nó như một “liều kháng sinh” hiệu quả để chống lại việc chạy chức, chạy quyền. Bởi vì, trong quy định này đã nêu ra những biện pháp và cơ chế kiểm soát rất cụ thể.

– Điểm mới của quy định này để chạy chức, chạy quyền của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, thưa ông?

Quy định 205 của Bộ Chính trị vừa qua đã đưa ra những nhận diện cụ thể về hành vi chạy chức, chạy quyền và của người “bảo kê”, người đứng đằng sau hỗ trợ cho hành vi trên.

Tôi thấy một điều quan trọng trong quy định này là việc quy rõ trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cho Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ sắp tới.

Trước đây, việc giới nhiệu nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp hay bầu cử đại biểu Quốc hội đều nhân danh tập thể. Nhưng thực chất là do cá nhân giới thiệu và sau đó bị lu mờ dần đi bởi lí do đã thông qua tập thể. Bản thân cá nhân giới thiệu đấy không chịu trách nhiệm gì (khi có sai sót hay hành vi vi phạm của người được giới thiệu).

Cho nên chúng ta quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, khi giới thiệu nhân sự vào đảm nhận chức vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho là một việc làm rất tốt.

Trong trường hợp, cá nhân giới thiệu được nhân sự tốt thì sẽ hưởng tiếng thơm, còn giới thiệu người không tốt, bị kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và thậm chí có cả những người vào vòng lao lý (có cả Bộ Trưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị) thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm trước tập thể, trước Đảng và Nhân dân.

Cho dù người giới thiệu đó đã hết nhiệm kỳ, “hạ cánh an toàn” rồi thì vẫn phải hồi tố trách nhiệm.

Vì vậy, tôi cho rằng, phải công khai danh tính người giới thiệu nhân sự trên. Đó là việc làm rất cần thiết hiện nay.

– Liệu quy định mới này có phải là “vắc xin đặc trị” chống chạy chức, chạy quyền?

Cách đây không lâu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ ràng rằng, chúng ta đã ban hành luật lệ rồi, có “thuốc” rồi nhưng liệu người ta có chịu “uống thuốc” không và “uống thuốc” có đủ liều không.

Cái này thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu như người ta không chịu tự giác “uống thuốc” thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải cưỡng chế buộc người ta phải “uống thuốc”.

Rồi các cơ quan điều tra truy tố xét xử và thi hành án phải vào cuộc. Chúng ta cần các cơ quan bảo vệ pháp luật tham gia tổng thể vào công tác phòng chống chạy chức, chạy quyền này.

– Trong vấn đề thực hiện nguyên tắc “dân chủ – công khai – minh bạch”, công tác cán bộ cũng cần phải công khai để dân cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, kiểm tra, thưa ông?

Tôi cho rằng, kiểm soát công tác cán bộ cũng chính là kiểm soát quyền lực. Bởi vì, công tác cán bộ mang đầy tính quyền lực, chỉ có cấp cao (có thẩm quyền) mới quyết định được nhân sự chứ không phải cấp nào cũng quyết định được.

Như Bác Hồ chúng ta đã nói: “Thành hay bại đều là do công tác cán bộ”. Có cán bộ tốt thì thành công, cán bộ không tốt sẽ dẫn đến thất bại. Chúng ta rất cần phải chú trọng hơn nữa, để kiểm soát công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác đề bạt cán bộ.

Nếu kiểm soát được quyền lực, chúng ta sẽ chống lại được những hành vi chạy chức, chạy quyền. Trong Quy định 205 của Bộ Chính trị cũng làm rõ việc kiểm soát quyền lực cũng chính là chống chạy chức, chạy quyền.

Ví dụ, cá nhân nào đó có hành vi lân la đến nhà các quan chức, để làm quen, giao tiếp, tìm mọi cơ hội mua chuộc các cán bộ có vị trí trong Đảng và Nhà nước hoặc biếu quà, vật chất cho gia đình, người thân của quan chức để được thăng quan tiến chức.

Dấu hiệu của người bao che chạy chức, chạy quyền là hành vi đứng ra để bảo vệ người đó, đưa họ vào những chiếc ghế được sắp sẵn. Điều này nguy hại vô cùng và làm cho những người có tâm, có tài nản lòng.

Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch, để sau này chính người giới thiệu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, khi nhân sự họ giới thiệu không hoàn thành tốt nhiệm vụ, hay dính vào vòng lao lý, như những cán bộ vừa qua.

Lẽ ra quy định này được ban hành sớm hơn trước một vài nhiệm kỳ trước, thì đã không có vài chục cán bộ đảng viên vướng vào kỷ luật, tù tội.

– Công tác chống chạy chức chạy quyền của Trung ương trong thời gian tới liệu có khởi sắc, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, Quy định 205 này sẽ đưa đến một tín hiệu lạc quan về việc chống chạy chức, chạy quyền. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã rung hồi chuông cảnh báo đối với những người chạy chức, chạy quyền, cũng như những người bao che. Họ sẽ phải e ngại và ít nhất họ cũng phải rất cẩn trọng thực hiện hành vi phạm pháp này.

Tôi tin rằng, sẽ có những tín hiệu mới, tích cực hơn. Và việc chạy chức, chạy quyền sẽ được giảm đi. Tuy nhiên, giữa quy định với việc giám sát, thực hiện quy định, rồi đưa quy định này vào cuộc sống thì còn là cả vấn đề.

Vì thế, chúng ta chỉ nói thôi là chưa đủ, mà cần phải có những biện pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn để chống chạy chức, chạy quyền.

Khó khăn đầu tiên trong việc thực hiện Quy định 205 này là việc các cán bộ có chức, có quyền và những người phụ trách về công tác cán bộ hay e dè, nể nang, ngại va chạm, tránh sự phức tạp liên lụy đến bản thân.

Khó khăn thứ hai là các cơ quan bảo vệ pháp luật có khi không đồng bộ để vào cuộc điều tra.

Khó khăn thứ ba là vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị chưa được đề cao. Trường hợp, người đứng đầu cũng có xu hướng bao che cho người chạy chức, chạy quyền thì rất khó thành công.

– Ngoài cơ quan Nhà nước, người dân đóng vai trò thế nào trong việc giám sát kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền, thưa ông?

Vai trò của người dân rất quan trọng. Nhưng chúng ta phải có cơ chế để người dân tham gia phát hiện.

Khi người dân phát hiện ra có người chạy chức, chạy quyền, cơ quan chức năng phải bảo vệ người dân và đưa ra giải pháp xử lý. Nếu như không đưa ra giải pháp cụ thể, người dân sẽ không có cơ hội để bày tỏ tiếng nói, đánh giá và phản biện của mình.

Ngoài người dân, tôi cho rằng cần phát huy vai trò các tổ chức quần chúng, các tổ chức xã hội, các tổ chức độc lập như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên.

Vì chính các tổ chức này là những nơi cung cấp thông tin, giám sát, phản ánh tiêu cực cho Đảng và Nhà nước về hành vi và lối sống của cán bộ công chức.

– Xin cảm ơn ông!

MINH TUẤN – VŨ MAI

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG