Đài Á Châu Tự Do ngày 26/10/2017 đưa tin: “Ủy ban Nhân quyền Việt Nam”, trụ sở chính tại Paris, Pháp đã lên tiếng phản đối biện pháp trấn áp có hệ thống của chính quyền Hà Nội đối với những quyền căn bản của công dân.
Thông cáo báo chí của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam đưa ra vào ngày 25/10 nêu rõ những quyền công dân bị chính quyền Hà Nội tước đoạt với lý do an ninh quốc gia là các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo-tín ngưỡng và quyền tham gia các sinh hoạt công cộng.
Đáng chú ý, thông cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam được đưa ra ngay sau phiên xử sơ thẩm Phan Kim Khánh về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 BLHS với bản án 6 năm tù và 4 năm quản chế. Và theo Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam, việc kết án Phan Kim Khánh như thế chứng tỏ một điều là chính quyền Hà Nội sợ bị chỉ trích, cảm thấy bị đe dọa khi công dân liên lạc, chia sẽ những quan tâm về tương lai đất nước.
Cần khẳng định ngay rằng, những cáo buộc trên của cái gọi là “Ủy ban Nhân quyền Việt Nam” là hoàn toàn không có cơ sở, mang tính dựng chuyện và bịa đặt.
Thực tế chứng minh rằng, ở Việt Nam, không có ai bị bắt giam do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Điều này không chỉ đúng với pháp luật Việt Nam, mà còn hoàn toàn phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền. Tại Điều 29 của Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, khẳng định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”.
Có thể thấy, việc bắt giữ và xét xử công khai, minh bạch Phan Kim Khánh ngoài ý nghĩa về mặt luật pháp, thì đó chính là hành động tích cực, nhằm bảo vệ quyền con người của người dân Việt Nam, làm cho người dân được hưởng quyền sống trong một xã hội an toàn, có trật tự, lành mạnh, không có tội phạm và được bảo vệ bằng luật pháp.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Nguyên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/10/2017 đã nêu rõ: từ năm 2015, Phan Kim Khánh đã kết nối với một số đối tượng phản động ở hải ngoại lập tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết có nội dung vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng…
Tại phiên toà, bị cáo Phan Kim Khánh đã khai báo thành khẩn, thừa nhận do kém hiểu biết về chính trị, pháp luật nên đã bị các đối tượng phản động lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật. Bị cáo Khánh bày tỏ sự hối tiếc về việc làm của mình và đề nghị Hội đồng xét xử cho được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để có cơ hội làm lại cuộc đời, báo hiếu cha mẹ, là công dân có ích với đất nước.
Căn cứ các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phan Kim Khánh 6 năm tù giam và 4 năm quản chế. Hình phạt này là thích đáng với Phan Kim Khánh và đây cũng là bài học, sự cảnh tỉnh đối với những người hay sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin nhưng thiếu hiểu biết, để các đối tượng phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá Nhà nước và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Sự trơ tráo, đê tiện của cái gọi là “Ủy ban nhân quyền” thể hiện ở chỗ, chính Phan Kim Khánh đã nhận tội và chấp nhận mức án được Tòa án tuyên, nhưng “Ủy ban nhân quyền” vẫn thô bỉ, trơ trẽn vu cáo, xuyên tạc rằng “việc kết án Phan Kim Khánh như thế chứng tỏ một điều là chính quyền Hà Nội sợ bị chỉ trích, cảm thấy bị đe dọa khi công dân liên lạc, chia sẻ những quan tâm về tương lai đất nước”.
Với những gì cái gọi là “Ủy ban nhân quyền” đang “cố đấm ăn xôi” có thể thấy rằng, “Ủy ban nhân quyền” đang đóng vai trò là một kẻ bảo kê, “gào thuê khóc mướn”, chà đạp lên luật pháp và các giá trị đạo đức, nhân văn của xã hội. Rõ ràng, đây là hành động sai lệch cần phải bị lên án và kiên quyết loại bỏ./.
Gió Làng