Ngày 26/06/2019, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 1041/TB-TTCP về “công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh”. Thông báo này khẳng định rằng một số cấp lãnh đạo của UBND TP.HCM và các ban, ngành đã có sai phạm khi không thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch của chính phủ, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 26 ngàn tỷ đồng, đồng thời tạo điều kiện cho việc kiếm lợi bất chính bằng các dự án bất động sản trong Khu Đô thị. Nhân đó, ngày 07/07/2019, Diễn đàn Xã hội Dân sự, CLB Lê Hiếu Đằng, Nhóm Lập Quyền Dân và một số tổ chức, cá nhân khác đã cùng ký “Tuyên bố Thủ Thiêm 4”, nhằm khai thác vụ việc.
Đầu bản tuyên bố, người khởi thảo công kích rằng “Thông báo thanh tra vẫn chỉ đề cập đến cách điều hành quản lý nhà nước trong nội bộ Đảng và nội bộ chính quyền mà không đề cập gì đến nguyện vọng và những khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm”. Sự công kích này có phần vô lý, vì bản thông báo chỉ xoay quanh “công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”.
Ở cuối tuyên bố, các tổ chức, cá nhân ký tên đưa ra 4 yêu sách.
Một, là UBND TP.HCM “phải khẩn trương giải quyết đơn khiếu nại của 115 người dân Thủ Thiêm, trả lại đất hoặc đền bù theo giá thị trường hiện nay cho những hộ nằm ngoài ranh qui hoạch; bồi thường hỗ trợ cho những hộ dân trong quy hoạch; trả lại 160 ha đất tái định cư cho dân để dân xây dựng lại nhà cửa ổn định cuộc sống”.
Hai, là “phải có luật sư độc lập do dân chọn làm đại diện trong ban bồi thường hỗ trợ tái định cư”, và “chính quyền phải thường xuyên đối thoại với dân giải quyết khiếu nại”.
Ba, là phải chuyển Thông báo số 1041/TB-TTCP cho cơ quan điều tra, để xử lý các cá nhân liên quan theo pháp luật.
Bốn, là “phải sửa lại luật đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai bao gồm sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, và sở hữu nhà nước”; “xóa bỏ vĩnh viễn nguyên tắc ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý’”.
Trong 4 yêu sách trên, chỉ có yêu sách thứ nhất đáng lắng nghe. Yêu sách thứ 2 không hợp lý, vì chính quyền địa phương vẫn thường xuyên đối thoại với cư dân Thủ Thiêm, và “luật sư độc lập” phải do cư dân thuê, chứ chính quyền không quyết định. Yêu sách thứ 3 không hợp lý, vì đương nhiên cơ quan điều tra phải tham khảo Thông báo số 1041/TB-TTCP. Yêu sách thứ 4 thiếu cơ sở, bởi các tổ chức ký tên chưa chứng minh rằng các tranh chấp đất đai ở Việt Nam sẽ dịu đi nhờ công nhận quyền tư hữu đất. Trong khi đó, theo thống kê của Global Witness, những nước có nhiều “nhà hoạt động đất đai” bị giết nhất trong cả năm 2017 lẫn 2018 là Philippines và Brazil, cả 2 nước đều công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai.
Cũng trong tuần qua, nhóm bạo động đòi đất ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã phản bác những công kích nhắm vào họ trong thời gian gần đây. Trên báo Dân Việt, Lê Đình Kình phủ nhận giá trị của những bảng thu-chi đăng trên các blog ủng hộ Nhà nước, cho thấy nhóm ông Kình đã tư túi hàng trăm triệu đồng tiền quỹ “giữ đất”. Ông Kình nói toàn bộ khoản quỹ đó đều “do người dân xã Đồng Tâm tự nguyện đóng góp”, tổ Đồng Thuận không nhận tiền của các “nhà hảo tâm” bên ngoài; và 50% quỹ đã được chi ra để làm hợp đồng với luật sư, có giấy biên nhận. Tuy nhiên, khi RFA gọi điện để phỏng vấn về vụ việc, họ không liên lạc được với ông Kình.
Về vụ việc này, chúng tôi nghĩ ông Kình nên công khai bảng kế toán và các hóa đơn thuê luật sư. Nếu làm được, ông sẽ được minh oan; còn nếu không làm được, ông sẽ cho thấy cáo buộc của dư luận là có cơ sở.
Theo Loa phường