Đập thủy lợi Rào Nan được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng từ thập niên 60 của thế kỷ trước trên chi lưu sông Nan tại địa bàn thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Công trình được xây dựng với công nghệ lạc hậu là đập ngăn mặn đá đổ kết hợp với trạm bơm để cấp nước tưới cho 1.400 hecta lúa 2 vụ của 9 xã vùng Nam Quảng Trạch cũ (nay là thị xã Ba Đồn).
Đập thủy lợi Rào Nan hiện tại
Cùng với thời gian, qua quá trình khai thác, công trình đã bị xuống cấp, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, các tháng mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Về mùa mưa lũ, nước sông dâng cao gây ra tình trạng ngập úng và thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản cho người dân nơi đây.
Thực trạng đó đã đặt ra nhu cầu cấp bách về việc xây dựng, cải tạo lại Hệ thống công trình thủy lợi Rào Nan, đảm bảo phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của bà con.
Tính khả thi của Dự án
Đầu tiên, phải khẳng định Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định số 4428/QĐ-BNN ngày 30/10/2017 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Đây là cơ quan đầu ngành của Nhà nước chứ không phải bất kỳ một doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài nào đội lốt giặc Tàu như lời một số kẻ “ngựa non háu đá” đã kích động. Theo thiết kế, đập tràn xây dựng dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi (283 cọc đường kính 1m, chiều sâu 20m), kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép, cao trình ngưỡng tràn là +6,0m (đập dâng Rào Nan hiện tại cao trình +1,5m). Chiều dài đập dâng là 177,4 m bao gồm 15 cửa van x 10m (tổng 150m) và 2 cửa xả cát x 4,5m (tổng 9m) và hệ thống 2 vai đập. Để phục vụ việc khảo sát, thiết kế triển khai Dự án, Chủ đầu tư lấy ý kiến tham vấn cộng đồng đối với người dân ở vùng hạ lưu của dự án về tính chất, quy mô đầu tư, phương án và vị trí xây dựng đập dâng cách đập cũ hiện nay 1,2 km về phía thượng lưu. Qua lần tham vấn này dự án đã được chính quyền và người dân trong vùng dự án đồng thuận cao về chủ trương cũng như phương án và vị trí xây dựng đập. Tuy nhiên, quyết định phê duyệt vị trí xây đập dâng cách đập Rào Nan cũ 25 m về phía thượng lưu khác với vị trí dự kiến ban đầu khi tham vấn người dân, nên gây ra tâm lý phản ứng và phản đối của người dân với việc triển khai Dự án.
Phối cảnh dự án sau khi hoàn thành
Về tính an toàn của dự án đã được đại diện lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, các chuyên gia đầu ngành thiết kế, thẩm định, phản biện và cam kết đảm bảo, như: GS.TS. Phan Sỹ Kỳ, nguyên Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT, GS.TS Phạm Thị Hương Lan – Chuyên gia thủy văn; KSCC Bùi Khôi Hùng – Chuyên gia địa chất; GS.TS Nguyễn Văn Lệ – Chuyên gia kết cấu…
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm trễ
Người dân thôn Linh Cận Sơn lo ngại việc xây dựng đập thủy lợi Rào Nan ở gần khu dân cư và cao trình của đập sẽ gây nhiều thiệt hại lớn về mọi mặt, bởi đây là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng trong mùa mưa lũ, bị kẹp giữa một bên là núi, một bên là tuyến kênh dẫn nước và đường sắt Bắc – Nam. Bên cạnh đó, chỉ có một số hộ dân nhận được hưởng lợi từ tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong khi việc xây dựng đập ảnh hưởng đến đa số hộ dân sinh sống nhờ nghề chài lưới, trồng rừng…
Mặt khác, quá trình thiết kế, tham vấn cộng đồng còn thực hiện theo “quy trình ngược”, chưa tranh thủ ý kiến của chính quyền địa phương và bà con; theo người dân thì lượng nước hiện nay đã đủ dùng, việc nâng cao đập lên 6m là không khả thi do lượng nước không đủ để giữ vào mùa hè. Từ đầu, người dân không được tiếp cận với những thông tin chính thức liên quan đến dự án, chỉ nghe từ nhiều phía cả chính thống và không chính thống nên không biết mô tê răng rứa về dự án.
Bàn tay của những kẻ kích động
Với tâm lý trục lợi, một số trường hợp đã tìm cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý lo lắng của người dân để kích động những người nhẹ dạ, cả tin chủ yếu phụ nữ và trẻ em tham gia các hoạt động khiếu kiện. Để tìm kiếm hậu thuẫn, chống lưng, một số phần tử xấu đã gặp gỡ, móc nối với linh mục trẻ, thiếu hiểu biết thực tế… Đặc biệt, lấy chiêu “bài Trung”, LM Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường đã sử dụng Facebook cá nhân đăng tải nội dung phản đối Dự án, kích động sự chống đối. Những việc làm của LM Hảo đã được số LM cực đoan, tay sai phản động cổ súy tích cực hòng tạo “điểm nhấn” chống phá khi mới về hoạt động mục vụ tại địa bàn.
Gần đây, LM Hảo đã đến trụ sở UBND xã Quảng Sơn gặp Chủ tịch UBND xã để chất vấn một số nội dung liên quan Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan, đồng thời công khai ý đồ sẽ huy động giáo dân tiến hành biểu tình, cản trở việc thi công dự án.
Thiết nghĩ, đây là một dự án quan trọng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao cuộc sống của người dân. Do đó, cần có sự đồng lòng, thống nhất từ nhiều phía để đưa dự án vào triển khai hiệu quả.
Thanh Đồng