Friday, November 22, 2024

Biểu tình Hồng Kông: 2 triệu người xuống đường

Sự bình tĩnh tạm thời đã trở lại Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 17-6, vài giờ sau khi khoảng 2 triệu người đã xuống đường phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi với Trung Quốc đại lục. Số người biểu tình phá kỷ lục thứ hai chỉ trong một tuần đã làm choáng váng giới lãnh đạo thành phố cũng như toàn và thế giới.

Biểu tình Hồng Kông: 2 triệu người xuống đường

Biểu tượng ủng hộ dân chủ Joshua Wong được chào đón sau khi rời khỏi nhà tù ngày 17-6. Ảnh: CNN

Tuần hành hòa bình

Các nhà tổ chức cho biết, khoảng 2 triệu người đã tham gia tuần hành, vượt mức 1,03 triệu vào tuần trước. Một biển người biểu tình mặc đồ đen đã lấp đầy các đường phố bắt đầu từ điểm xuất phát ở Công viên Victoria cho đến khu vực trung tâm, nơi đặt trụ sở chính quyền. Phải mất hơn 8 giờ để người biểu tình đi từ điểm đầu đến điểm cuối. Với số lượng người tham gia như vậy, đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hồng Kông kể từ khi thành phố được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Nhiều người cho biết họ cảm thấy buộc phải diễu hành sau khi chứng kiến cảnh tượng người biểu tình bị tấn công trong các cuộc tuần hành trước đó. Nhiều người mang theo các khẩu hiệu “Ngừng giết chúng tôi” và “Xin đừng nổ súng”. Những người khác mang theo hoa trắng để tưởng nhớ một người đàn ông đã chết sau khi rơi xuống từ một tòa nhà hôm 15-6. Những bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy đám đông lớn hơn nhiều so với cuộc biểu tình tuần trước hoặc cuộc tuần hành hồi năm 2003.

Cảnh tượng cuộc tuần hành lần này hoàn toàn khác với cảnh giận dữ và căng thẳng hôm 12-6, khi những người biểu tình chiếm quyền kiểm soát các đường phố chính xung quanh các cơ quan lập pháp, ở đó cho đến khi bị cảnh sát giải tán bằng hơi cay và đạn cao su. Sự thay đổi rõ ràng về chiến thuật khiến việc kiểm soát  của lực lượng an ninh trở nên dễ chịu hơn nhiều. Cảnh sát không cần mặc trang phục chống bạo loạn và chủ yếu làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Người biểu tình cũng không gặp rắc rối, hầu như không ai che mặt và chỉ một số ít người có mũ bảo hiểm và các thiết bị bảo vệ khác.

“Đã đến lúc bà ấy phải từ chức”

Được xem như một đòn giáng mạnh hơn vào những khó khăn hiện nay của chính quyền Hồng Kông khi biểu tượng ủng hộ dân chủ Joshua Wong, nhân vật hàng đầu trong cuộc biểu tình “Phong trào Dù” năm 2014, đã được thả tự do vào ngày 17-6, sau khi thụ án 2 tháng tù giam do có liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2014.

“Đây là thời điểm thực sự tốt để tham gia cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ. 5 năm trước, khi kết thúc Phong trào Dù, chúng tôi tuyên bố chúng tôi sẽ trở lại. Hôm qua, 2 triệu người đã xuống đường… điều đó cho thấy người dân Hồng Kông nhận ra đây là một trận chiến kéo dài”, Wong cho biết ngay sau khi vừa rời khỏi trung tâm cải huấn Lai Chi Kok. Wong lặp lại lời kêu gọi của người biểu tình đòi lãnh đạo thành phố Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức. “Tại sao bà Lâm chỉ đình chỉ dự luật dẫn độ cho đến khi 1 triệu người xuống đường, đó là vì bà ấy không được người dân Hồng Kông bầu chọn”, Wong nói. “Đã đến lúc bà ấy phải từ chức”, Wong nhấn mạnh. “Hồng Kông chỉ là một thành phố nhỏ với 7 triệu dân, nhưng 2 triệu người đã xuống đường, điều đó cho thấy chúng tôi có sự đồng thuận”, Wong cho biết. Wong dự đoán, nếu dự luật dẫn độ không được hủy bỏ hoàn toàn và các quan chức chủ chốt không từ chức, thì các cuộc biểu tình có thể tiếp tục, đặc biệt là vào ngày 1-7, ngày kỷ niệm thành phố được Anh trao trả cho Trung Quốc và là một ngày quan trọng hàng năm cho các cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ.

Lời xin lỗi muộn màng

Hôm 15-6, lãnh đạo thành phố Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết việc thông qua dự luật dẫn độ sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. Bà Lâm cho biết, có khả năng dự luật sẽ không thông qua trong năm nay. Sự chậm trễ này có thể giết chết dự luật dưới hình thức hiện tại vì năm 2020 là năm bầu cử ở Hồng Kông và các nhà lập pháp ủng hộ chính phủ đã cảnh báo rằng, tranh cãi về luật pháp có thể khiến họ mất ghế.

Đối mặt với sự phản đối về việc xử lý dự luật, bà Lâm đã đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi vào tối 16-6, thừa nhận “thiếu sót” trong công việc của chính phủ đã dẫn đến “những tranh cãi và tranh chấp đáng kể trong xã hội”, gây thất vọng và đau buồn cho người dân Hồng Kông. Lời xin lỗi chính thức này của bà Lâm đặt ra những hoài nghi mới về khả năng bà vượt qua được sức ép hiện nay để tiếp tục lãnh đạo Hồng Kông. Trong một tuyên bố, chính quyền Hồng Kông nói bà Lâm “hứa sẽ có quan điểm chân thành và khiêm tốn nhất để chấp nhận sự chỉ trích và có những cải thiện trong việc phục vụ công chúng”.

Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau đó, Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), nhóm tổ chức cuộc biểu tình gần đây nhất, cho biết người dân Hồng Kông sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi chính phủ rút toàn bộ dự luật dẫn độ, rút lại tuyên bố cuộc biểu tình hôm 12-6 là “bạo loạn”, phóng thích những người biểu tình bị bắt và rút tất cả các cáo buộc.

BẢO NGÂN

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG